Tích cực thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29 tháng 1 năm 2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, các cấp, ngành và 2 huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc đang nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng (CGHK) Bến Tre giai đoạn mới.
Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua, không chỉ ở Bến Tre mà còn trên phạm vi cả nước; là đòi hỏi khách quan cũng như yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển.
Ở cấp độ HTX và tổ hợp tác, để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững đòi hỏi sự đổi mới tư duy, đảm bảo liêm chính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế mới, kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, trong năm 2024, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre phối hợp với địa phương và Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nhằm đổi mới, năng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bến Tre, theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII, tiến tới hoàn thiện chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, phát triển mạnh hơn nữa chuỗi giá trị cây giống-hoa kiểng, củng cố mở rộng phát triển có chiều sâu và tạo thương hiệu cho các sản phẩm cây giống, hoa kiểng chủ lực trên địa bàn tỉnh góp phần xây dựng thành công Đề án Phát triển Cây giống và Hoa kiểng Chợ Lách mang tầm Quốc gia. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) rất khó thực hiện liên kết do không tìm được HTX nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, nên DN phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro.
Bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách hiện nay, các sở, ngành cần tiếp tục phối hợp, rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các HTX cũng như các Doanh nghiệp hiện đang gặp phải như: tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng; hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản và thương mại…
Để hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn trên, trong tháng 6 vừa qua, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre đã phối hợp cùng địa phương và Liên Minh HTX tỉnh tổ chức 2/6 lớp tập huấn các chính sách nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho các thành viên trong HTX tại huyện Mỏ Cày Bắc. Kết quả các HTX đã có nhiều định hướng mới trong phát triển kinh tế tập thể, các thành viên tham gia hiểu và nắm được các quy định trong Luật HTX, nắm được các chủ trương, nghị định và thông tư hướng dẫn về hoạt động HTX, tranh thủ được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, giúp HTX hoạt động ngày càng hiệu quả nên số thành viên tham gia HTX cũng như góp vốn điều lệ cũng ngày 1 tăng.

Ảnh : Liên Minh HTX Tỉnh tập huấn các chính sách nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho các thành viên trong HTX tại huyện Mỏ Cày Bắc
Bên cạnh việc tập huấn, Trung tâm cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ, tư vấn định hướng cho HTX Nông nghiệp Phước Mỹ Trung – huyện Mỏ Cày Bắc tham gia chuỗi giá trị theo dạng tiềm năng với diện tích sản xuất cây giống:26,4 ha và diện tích sản xuất hoa kiểng là: 22,6 ha; Thời gian đầu tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng của tập thể và sự quan tâm của chính quyền địa phương thì trong thời gian tới sẽ hỗ trợ HTX đưa vào hệ thống chuỗi.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hằng – Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre