I. CHỌN GIỐNG
1. Giống Tắc trái tròn
Đây là giống phổ biến nhất ở nước ta. Chiều cao trung bình của cây Tắc từ khoảng 1-5m, lá hình elip, nhỏ và xanh đậm. Trái Tắc lúc non thì có màu xanh, lúc chín cho màu vàng rực rỡ. Vị của quả Tắc thường khá chua. Nhờ đó, ngoài làm cây cảnh, chúng còn được ưa chuộng làm gia vị hoặc dùng để pha chế nước uống, làm mứt.

2. Giống Tắc cẩm thạch
Là giống quất đột biến với hình thái lá loang trắng và quả đẹp có gân sọc, độc đáo. Cây được trồng chủ yếu làm cảnh và trồng trang trí sân vườn.

3. Tắc Mỹ hay tắc ngọt
Tắc Mỹ còn gọi là tắc ngọt, có vỏ ngọt. Cây có chiều cao từ 1-1,5m thân dẻo màu xanh xám, nhiều cành nhỏ, lá bầu dục, sai quả sum suê. Hoa Tắc Mỹ nở xòe 5 cánh trắng tươi và khá thơm. Quả Tắc Mỹ khi chín chuyển sang màu vàng và có vị ngọt nhẹ. Ưu điểm của giống này là dễ chăm sóc, chịu sâu bệnh, chịu rét, không kén đất và phù hợp thời tiết khí hậu Việt Nam.

II. CHUẨN BỊ GIỐNG TRỒNG
1. Chăm sóc vườn nhân giống
Bón phân đầy đủ và cân đối, trong mùa khô nên kết hợp bón phân với các đợt tưới nước. Liều lượng bón: NPK ưu tiên cho hàm lượng N và P, ví dụ NPK 20-15-8 liều lượng cứ 1-1,5 tấn cho 1 ha. Cách bón: chia làm nhiều lần bón vào lúc cơi đọt vừa già. Ngoài ra cần bón bổ sung thêm lượng phân hữu cơ với số lượng 20-25 tấn/ ha, 1 năm bón một lần và có thể phun thêm phân bón lá. Cắt tỉa chồi: thường xuyên tỉa bỏ chồi vượt từ gốc ghép và các cành tăm, cành khô, cành sâu bệnh. Phòng trừ sâu bệnh: chú ý phòng trừ các loại sâu, bệnh. Thường xuyên làm cỏ và vệ sinh vườn sạch sẽ.
2. Chọn cành chiết và chiết cành
Chọn cành chiết là cành đã ổn định, vỏ cành màu nâu, cành to vừa phải, đường kính cành khoảng 1-2cm. Cành nhỏ sẽ phát triển chậm, cành to quá thì hại cây. Tuyệt đối không dùng cành bị sâu bệnh. Không chiết các cành vượt, cành đang mang hoa, trái, cành yếu. Trong một cây không nên chiết quá nhiều cành vì sẽ hại cây. Cây được chọn để chiết cành phải bảo đảm cho cây mẹ cân đối, giữ được khung cành phân bố đều, cây sinh trưởng phát triển tốt.

Tốt nhất ta chọn nhánh ngọn đã già đọt, nhánh chiết dài khoảng 35-40cm, dùng dao bén khất vỏ, vết khất dài 1-1,5cm, lột phần vỏ cành ra khỏi thân cành. Sau khi lột khoanh vỏ cành chiết, cứ để 1-2 ngày. Trong thời gian đó, trộn lấy giá thể bằng rơm củ trộn với đất giàu dinh dưỡng sau cho hỗn hợp vừa sệt, ốp giá thể vào cành chiết sao cho vết cắt phía trên cành nằm giữa bầu chiết để rễ ra tốt hơn.

3. Chuẩn bị bầu ươm
Bầu ươm có màu đen, chắc chắn và nguyên vẹn đường kính bầu là 10cm và chiều cao bầu là 15cm, giá thể đầy bầu ươm. Số lỗ thoát nước 10-15cm, đường kính lỗ 0,6-0,8cm.
Chuẩn bị giá thể để vô bầu (chất độn bầu) tỷ lệ 1:3 gồm 1 phần đất mặt và 3 phần hỗn hợp gồm có 1 phần bột xơ dừa + 1 phần trấu mục + 1 phần tro trấu và một ít phân hữu cơ, nên vô giá thể trước 2/3 bầu để dễ thao tác khi cắt cành vô bầu.
Khoảng 25-30 ngày sauquan sátthấy bầuchiết có nhú vài rễ ra thì cắt không nên chờ cho rễ dài (vì để rễ ra nhiều, dài thì nhánh chiết bị khô, vàng úa mất sức khi cắt xuống vào bầu thì tỷ lệ sống thấp hơn).

Nhánh chiết sau khi cắt xuống nên vô bầu sớm, nhẹ nhàng để cành vô bầu ươm và cho vào 1/3 giá thể cho đầy bầu, ém giá thể cho chắc chắn, sau đó tưới nước giữ ẩm rồi đưa ngay vào mùng cây giống.
4. Mùng cây giống


Mùng cây giống giúp cho cành chiết tiếp tục sinh trưởng ổn định sau khi cắt, tăng tỷ lệ cây sống trong điều kiện tối ưu hóa ẩm độ và nhiệt độ. Chọn vị trí cao ráo, mát mẻ để làm mùng ươm cây giống, nếu không có vị trí mát thì phải che bớt nắng bằng lưới đen 70%. Mùng bằng nhựa PE trắng, lựa kích thước phù hợp cho dễ chăm sóc, thông thường chiều ngang dài 2,5-3m tùy vị trí chọn, cao 1,5-2m mái thẳng 2 bên hoặc mái vòm. Hai phía mùng cố định còn hai đầu mùng có thể ra vào để chăm sóc.
Sau khi đưa cây vào mùng, đậy kín lại theo dõi, nếu thấy khô thì dùng bình xịt phun ẩm cho cây, nếu thấy độ ẩm vừa thì không cần phun, 10ngày sau dở mùng ra từ từ cho cây quen dần, sau đó dở hẳn 2 đầu mùng, để tự nhiên 5 ngày trong mát, sau đó đem cây ra ngoài tiếp tục chăm sóc. Để nuôi cây con trong chậu thì tùy theo mục đích của mình mà chọn loại chậu cho phù hợp.
III. TRỒNG VÀ NUÔI CÂY CON
1. Chuẩn bị giá thể
Trong các thành phần của giá thể bầu ươm cây giống, tỷ lệ các thành phần và phân bón có vai trò cực kỳ quan trọng, giúp cho cây sinh trưởng tốt.
Các loại giá thể như: đất tốt, mụn dừa, trấu, tro trấu… đã qua xử lý, khi trộn đều với đất nhỏ sẽ làm tăng thêm độ tơi xốp cho đất, giúp đất không bị nén lại sau khi tưới nước hoặc để lâu ngày. Giá thể phải có khả năng giữ nước hiệu quả, giúp cây con trồng trong bầu ươm có sức sống càng cao. Thông thường nông dân dùng giá thể rất đơn giản bao gồm như sau:
1.1 Đất
Đất là thành phần không thể thiếu để làm bầu ươm cây. Đất vô bầu cây giống phải chọn đất thịt nhẹ hoặc đất cát không có mầm bệnh, có nhiều chất dinh dưỡng, độ pH từ 6-7 là tốt nhất. Đất làm bầu ươm phải được làm thành các hạt nhỏ tơi xốp, để dễ dàng trộn hỗn hợp các loại phân bón và giá thể khác. Bình thường, để có loại đất nhỏ tơi xốp như thế, chúng ta nên để cho đất khô rồi đập nhỏ, sau đó sàng theo yêu cầu, lọc bỏ sỏi và các tạp chất nguy hiểm.
1.2 Mụn dừa
Mụn dừa là thành phần chủ yếu trong giá thể nuôi cây giống. Mụn dừa còn được nhiều người gọi là xơ dừa, mụn dừa hay mụn xơ dừa. Tuy nhiên khác với xơ dừa, mụn dừa đã được rây lọc chỉ cần phần mụn chứ không còn lẫn sợi xơ dừa.

Mụn xơ dừa sau khi được tách ra khỏi vỏ dừa chưa thể dùng ngay vì nó có chứa 2 chất ảnh hưởng đến rễ của cây trồng đó là tanin và lignin. Hiện tại mụn dừa thường được bán trên thị trường bằng các bao tái sử dụng hoặc bao bì không có nhãn mác, mua về nên xử lý trước khi sử dụng.
Cách xử lý mùn xơ dừa khi mới mua về:
Xử lý mụn dừa chính là tách thành phần tanin và lignin ra khỏi mụn dừa và giữ lại các thành phần có ích, vì tanin và lignin là 2 chất có tác động trực tiếp làm cản trở quá trình phát triển của cây trồng: làm tắc đường hút không khí, dinh dưỡng của cây trồng, 2 chất này khó phân hủy. Đặc biệt lignin chỉ hòa tan trong môi trường kiềm sẽ làm cây chậm phát triển, bị còi cọc, nhiễm độc, lâu dần sẽ làm chết cây.

Tiến hành xử lý theo các bước sau:
- Cho mụn dừa vào nước sạch để ngâm với lượng nước ngập được số mụn dừa, nước càng nhiều thì xả chát càng nhanh và triệt để nhưng tốn nước.
- Sau khi ngâm được 2-3 ngày thì xả nước đi và thay nước mới ngâm tiếp 2-3 ngày nữa, sau đó lại tiếp tục xả nước đi.
- Hòa nước vôi với lượng vôi bằng 5% trọng lượng khô của mụn dừa, rồi ngâm khoảng 5-7 ngày.
- Sau khi ngâm nước vôi xong thì xả hết nước đó đi và cho nước sạch vào xả từ 1 đến 2 lần.
- Đem phơi khô và trữ để sử dụng.
1.3 Cách trộn đất làm bầu ươm trồng cây
Để có hỗn hợp đất ươm cây tốt, cần trộn đều đất khô đập nhỏ, mụn dừa đã xử lý, trấu, tro trấu theo tỷ lệ như sau 1:5:3:1. Công đoạn này có thể sử dụng các loại máy trộn nguyên liệu để tiết kiệm thời gian và làm hỗn hợp được trộn đều hơn. Trong khi trộn, người thực hiện cần lưu ý không để nguyên liệu quá ẩm hoặc quá khô, để việc vô bầu thuận lợi.
Vô bầu ươm
Để vô bầu ươm, nên cần chuẩn bị túi bầu đen. Có thể chọn loại bầu có thể phân hủy, không phân hủy, có đáy hoặc không đáy. Thời gian này nuôi cây trong bầu thì bón phân, tưới nước cho cây sinh trưởng khỏe nhất. Có thể sắp xếp cây gần nhau cho đỡ tốn diện tích và công chăm sóc, quản lý.

2. Dưỡng cây con
Thời kỳ nuôi cây con trong túi dưỡng (cây 1-2 tuần tuổi), phân bón được chia làm nhiều đợt (4-6 lần) để bón cho cây giống. Có thể dùng phân DAP với liều lượng 40 gram hòa cho tan trong 10 lít nước để tưới cho một gốc cây giống, sau khi tưới phải xả bằng nước trở lại, nếu cây thiếu đọt có thể bổ sung thêm Urea tùy thực tế. Bổ sung phân hữu cơ có nấm Trichoderma sp. cho bầu giống để ngừa bệnh. Khi cây con sống khỏe thì chúng ta chuẩn bị trồng vào chậu.

IV. VÔ CHẬU TRỒNG
1. Chậu trồng
Trồng Tắc trong chậu nên ưu tiên những loại chậu làm từ chất liệu sứ, sành hoặc các loại nhựa cao cấp như nhựa Composite hay nhựa ABS, có thể trồng riêng trong chậu nhựa sau đó vào chậu sành để tạo hình.

Chậu trồng Tắc phải có độ rộng và sâu vừa đủ. Nên mua những loại chậu có kích thước lớn hơn 25% so với tổng thể bộ rễ của cây Tắc bạn muốn trồng. Lựa chọn những loại chậu có khả năng thoát hơi nước tốt. Điều này giúp nước thoát nhanh hơn, cây không bị úng rễ dẫn đến chết. Trong quá trình trồng Tắc, bạn cũng nên thay chậu định kỳ khoảng 1 năm/lần.
Chiết chậu thay thế tiếp theo cũng cần phù hợp với cây đang sinh trưởng ở thời điểm thay chậu. Thay chậu nên tiến hành vào khoảng cuối tháng 5 âm lịch là lý tưởng nhất.
Giá thể trồng Tắc trong chậu chuẩn bị như trên, bổ sung thêm rơm mục nhiều dinh dưỡng và độ ẩm cao. Đảm bảo đất trồng có khoảng pH từ 5-6 là tốt nhất.
2. Cách trồng cây Tắc vào chậu
Lấy cây Tắc ra khỏi bầu ươm nhẹ nhàng để chuyển sang trồng vào chậu. Đặt cây Tắc vào chậu một cách ngay ngắn để cây phát triển đúng theo thế mà người trồng mong muốn. Cho giá thể trồng vào chậu, lấp kín và đều quanh gốc cây. Không làm lộ rễ cây lên trên mặt đất vì khi tưới nước sẽ càng làm rễ trồi lên hơn, lâu dần gây tình trạng khô héo rễ. Nén đất chặt để cố định cây Tắc và giúp cây vững vàng, không bị lung lay. Đặt cây vào vị trí mong muốn và có ánh sáng, nơi đặt cây cần phải vừa đủ không quá nhiều ánh sáng.
3. Chăm sóc cây
Cây Tắc cần được tưới nước với lượng vừa đủ. Có thể tưới vào mỗi sáng sớm và tưới lên cả lá cây, vừa giúp lá sạch bụi bẩn trên bề mặt, vừa giúp cây quang hợp tốt. Cây trồng trong nhà có thể tưới 2-3 ngày/lần. Sau 1 tuần trồng cây Tắc trong chậu, nên bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách bón phân để thúc đẩy quá trình mọc rễ và ra lá của cây. Thường xuyên quan sát tốc độ sinh trưởng của cây để tiến hành cắt tỉa các nhánh, cành và lá. Loại bỏ sâu bệnh và những lá vàng héo. Bón phân cho cây Tắc trồng chậu là một nhiệm vụ quan trọng. Định kỳ 1 tháng nên bón cho cây một lần, đặc biệt là vào giai đoạn cây phát triển lá, nhánh, hoa và quả. Nếu được bón đều đặn, cây Tắc sẽ cho quả mọng nước và to hơn.
4. Tạo tán và cắt tỉa
Cây Tắc trồng trong chậu không chỉ để lấy trái, mà còn làm cảnh để trang trí cho ngôi nhà. Do đó, việc cắt tỉa và tạo tán cũng là công đoạn cần được thực hiện thường xuyên. Mỗi tháng, nên điều chỉnh tán cho cây. Điều này là nhằm cho tán cây phát triển đều đặn, theo đúng thế ban đầu. Đồng thời, nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để ngừa sâu bệnh hại sau khi sửa tán.
5. Kỹ thuật xử lý cho ra trái
Vào mỗi dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, cây Tắc tươi tốt và sai quả sẽ mang nhiều ý nghĩa về sum vầy, tài lộc và hạnh phúc cho một năm sắp đến. Người trồng cần nắm những kỹ thuật giúp thúc đẩy cây sai quả đúng thời điểm này. Vào thời điểm tháng 4 âm lịch nên xử lý ra hoa trái, thông thường sử dụng NPK như 9-25-14, 11-19-15 để bón trước 10-15 sngày và tạo khô hạn cho cây, có thể phun bổ sung phân bón lá 10-60-10. Khi cây có triệu chứng héo lá, thì tưới nước lại cây sẽ ra hoa. Vào khoảng tháng 6 và tháng 7 âm lịch, nếu cây ra hoa và trái non, tiến hành cắt tỉa và vặt bỏ trái non, giảm tưới nước để kiềm chế sự phát triển mạnh của cây. Giữa tháng 8 âm lịch, là giai đoạn cho cây ra hoa kết trái. Tiến hành cung cấp đủ nước, phân bón để cây ra hoa, đậu quả. Đảm bảo cây ra hoa với mật độ thưa vừa phải để bảo toàn dinh dưỡng cho cây và cây sẽ cho trái chín vừa đúng dịp Tết.
6. Vào chậu tạo hình
Vào tháng cuối cận Tết còn 30-45 ngày thì chọn chậu theo yêu cầu thị hiếu để chuyển cây vào chậu, sử dụng giá thể tơi xốp và mới đã được xử lý nấm bệnh để vào chậu. Đặt cây ở vị trí thoáng mát, khoảng cách tùy theo tán sau cho tán cây không giao nhau để chăm sóc và trưng bày.
6.1 Tắc bứng vào chậu
Tắc chuẩn bị có trái có thể bứng đơn từng cây vào chậu, cũng có thể dùng giá thể có nhiều đất hơn để cây đứng vững, những cây này có thể được nuôi từ nền đất, xử lý ra hoa trái rồi mới chuyển vào chậu để bán vào dịp Tết.

6.2 Tắc nuôi từ nhỏ trong chậu
Chậu Tắc cũng có thể nuôi từ lúc sang từ bầu ươm. Sau khi trồng được chăm sóc và xử lý ra hoa, kết trái luôn trong chậu. Chăm sóc cây và trái trong chậu cho đến khi bán vào dịp Tết. Loại cây này chơi được lâu và có thể nuôi lại sau tết để chơi tiếp năm sau.

6.3 Tạo hình tắc kiểng
Có thể tạo hình từ nhiều cây Tắc để có chậu Tắc thật đẹp, loại hình này đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm, công chăm sóc tỉ mỉ mất nhiều công sức và thời gian.




V. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH
1. Rầy mềm
Tên khoa học: Toxoptera aurantii và Toxoptera citricidus. Cả 2 loài trên thuộc họ Rầy mềm (Aphididae), bộ Cánh đều (Homoptera).

Cả ấu trùng và thành trùng đều gây hại cho cây bằng cách hút và chính nhựa lá và cành non làm giảm khả năng tăng trưởng của cây. Lá non bị cong và biến dạng. Đồng thời gây hại của rầy mềm cũng làm cho trái bị chín sớm và giảm phẩm chất.
Biện pháp phòng trừ:
Rầy mềm có rất nhiều thiên địch. Nếu thiên địch không khống chế được mật số rầy có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu thông dụng để trị, tuy nhiên rầy rất dễ phát triển mật số trở lại vì khả năng sinh sản rất cao và vì vậy nên rầy mềm có thể truyền bệnh từ cây này sang cây khác một cách dễ dàng.
- Cắt tỉa và tiêu hủy cành vượt, cành có nhiều rầy, tạo thông thoáng.
- Tưới đủ ẩm và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho vườn cây.
- Cần theo dõi vườn thường xuyên, đặc biệt là vào các đợt cây Tắc ra đọt non, nếu thấy rầy có mật số cao thì có thể sử dụng thuốc hóa học để phun xịt. Các hoạt chất và thuốc có thể sử dụng như Pymetrozine, dầu khoáng D-C-Tron Plus 98,8 EC; Vibamec 1.8EC hoặc 3.6EC... Về liều lượng và cách sử dụng bạn có thể đọc hướng dẫn của nhà sản xuất có in sẵn trên bao bì.
2. Rầy chổng cánh
Tên khoa học: Diaphorina citri
Họ: Psyllidae
Bộ: Homoptera

Rầy chổng cánh xuất hiện trên cây trồng khi có chồi non. Rầy chổng cánh sinh trưởng và phát triển trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau, rầy trưởng thành có thể tồn tại được ở nhiệt độ lạnh -4oC và cả vùng khí hậu nóng và khô. Thân hình chúng rất nhỏ, thành trùng dài từ 2-3mm, ít bay nhảy, có cánh dài, màu xám đen với vệt trắng lớn chạy từ đầu đến cuối cánh, lúc đậu cánh và bụng nhô cao hơn khỏi đầu tạo thành một đường xiên 30-45oC.
Rầy chổng cánh xuất hiện trên cây trồng khi có chồi non, nếu ký chủ chính như Tắc, Cam, Bưởi... không có chồi non thì rầy di chuyển sang các ký chủ phụ như Nguyệt quế, Cần thăng để duy trì mật số. Chúng tạo mật độ cao vào đầu mùa mưa (từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 7 đến tháng 12 trong năm) là lúc cây ra lá non và trổ hoa. Ấu trùng và thành trùng chích hút dinh dưỡng lá, đọt non làm phiến lá nhỏ và xoăn, đọt non lụi dần, sần sùi. Chất thải của rầy thu hút nấm bồ hóng ảnh hưởng đến quang hợp. Rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh vàng lá gân xanh (Greening).
Biện pháp phòng trừ:
+ Loại bỏ nguồn bệnh ra khỏi vườn, thường xuyên thăm vườn, nếu phát hiện có cây nhiễm bệnh cần loại bỏ ra khỏi vườn ngay lập tức. Cắt tỉa cành, điều khiển các đọt ra tập trung.
+ Tỉa cành và bón phân hợp lý để điều khiển các đọt non ra tập trung. Áp dụng các quy trình tỉa cành tạo tán theo kỹ thuật tiên tiến để cho cây được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.
+ Không nên trồng các loại cây hấp dẫn rầy như Nguyệt quế, Cần thăng, Kim quýt gần vườn cây có múi (cây ký chủ phụ của rầy chổng cánh).
+ Tạo điều kiện cho thiên địch trong vườn phát triển như kiến vàng, các loại ong ký sinh, ấu trùng bọ rùa, ấu trùng bọ cánh lưới, ruồi ăn mồi. Ngoài ra còn có một số loài nhện hiện diện trong vườn cũng làm giảm mật số rầy chổng cánh đáng kể, trong đó có các họ Linyphiidae, Therdiosomatidae, Thomisidae...
+ Phun dầu khoáng khi thấy đọt non ra dài từ 5mm-10mm, khoảng 2% số cây trên vườn ra đọt non, mỗi đợt phun 2 lần, loại dầu khoáng có thể sử dụng là SK Espray 99EC theo liều lượng khuyến cáo. Lưu ý, trước khi phun dầu khoáng phải tưới nước cho vườn cây từ hôm trước.
+ Sử dụng các loại hoạt chất như Abamectin, Emamectin benzoat, Pymetrozine, Cartap, Imidacloprid…
3. Sâu vẽ bùa
Tên khoa học: Phyllocnistic citrella
Họ: Gracillariidae
Bộ: Lepidoptera

Bướm hoạt động về ban đêm, thường đẻ trứng ở mặt dưới lá gần gân chính của các đọt non mới mọc. Một trưởng thành sâu vẽ bùa thường đẻ được 70-80 quả trứng, thời gian đẻ trứng từ 2-10 ngày. Sâu non mới nở thường đục chui qua lớp biểu bì của lá để ăn phần nhu mô của lá tạo thành đường hầm ngoằn ngoèo dưới lớp biểu bì, phía sau là đường phân thải ra của sâu như sợi chỉ, lớp biểu bì có thể bị bong ra hoặc trông giống như nhầy ốc sên. Đường đục của sâu vẽ bùa dài và lớn dần theo sức lớn của sâu. Khi đẫy sức, sâu non đục ra mép lá, hoá nhộng tại mép lá gần gân lá, chỗ lá bị xoăn bằng cách dùng tơ gấp lại che tổ kén. Khi sâu gây hại, lá nhỏ, dị dạng ảnh hưởng đến sự phát triển của chồi non. Hoa và trái có thể bị rụng khi cây bị gây hại nặng. Ở giai đoạn cây con nếu bị gây hại thường xuyên sẽ kém phát triển và có tán nhỏ hơn bình thường. Sâu vẽ bùa là môi giới truyền bệnh loét. Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm, tập trung nhiều vào các đợt ra đọt non trong mùa khô.
Biện pháp phòng trừ:
+ Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Thu dọn lá rụng trong vườn đốt bỏ cũng hạn chế nguồn sâu.
+ Thường xuyên theo dõi quan sát, để bảo vệ các đọt non vào các giai đoạn cao điểm phát triển của sâu. Trường hợp bị hại nặng thì có thể cắt bỏ các chồi lá bị sâu ăn tập trung một chỗ để tiêu diệt.
+ Khi mật số sâu quá cao, có thể dùng các loại thuốc nội hấp để phun luân phiên một số thuốc có hoạt chất như: (Chlorantraniliprole+Abamectin), Imidacloprid, Abamectin có thể phối hợp dầu khoáng với thuốc sâu để tăng hiệu quả phòng trừ.
4. Nhện đỏ
Tên khoa học: Panonychus citri
Họ: Tetranychidae
Bộ: Acari
Nhện đỏ là loài đa ký chủ có vòng đời ngắn (10-15 ngày) nên mật số tăng rất nhanh nhất là trong điều kiện khô hạn. Chúng có thể gây hại trên nhiều bộ phận của cây. Trên lá, khi bị gây hại sẽ có những chấm nhỏ li ti, khi bị nặng, vết chấm lan rộng, lá có màu ánh bạc hoặc vàng, biến dạng… sau đó có thể bị khô và rụng. Khi mật số nhện cao, cành non cũng bị làm cho khô và chết.

Trên trái, nhện thường sống tập trung ở phần lõm (cuống trái, đáy trái). Nhện chích hút dịch ở lớp biểu bì trái non làm vỏ trái bị biến màu và các vết thương khô lại tạo nên những vết sần sùi gọi là da lu, da cám… ảnh hưởng đến mẫu mã của trái.
Biện pháp phòng trừ:
- Bón phân dứt điểm thành từng đợt và phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Nếu vườn bị nhện gây hại nhiều thì nên tăng cường bón thêm phân lân và kali.
- Tỉa bỏ những cành, lá không cần thiết bên trong tán cây để tán cây luôn luôn được thông thoáng.
- Nếu vườn cây thường bị nhện gây hại nặng thì cứ mỗi đợt cây ra đọt, lá non nên phun xịt 3 lần thuốc trừ nhện: lần 1 khi cây vừa nhú đọt non, lần 2 khi đọt non ra rộ và lần 3 khi lá non bước sang giai đoạn bánh tẻ. Khi cây đã bước vào giai đoạn cho trái thì cứ mỗi một đợt ra bông kết trái cũng nên phun xịt ba lần thuốc: lần 1 lúc nụ hoa ra rộ, lần 2 sau khi tượng trái rộ khoảng 1 tuần và lần 3 cách lần 2 khoảng 10 ngày. Chú ý khi dùng thuốc cần luân phiên thuốc để tránh nhện hại nhờn thuốc. Có thể dùng các loại thuốc như dầu khoáng DC- Tron Plus Dimenat, Dầu SK Enspray 99, Kumulus 80WG…
5. Bệnh loét
Bệnh do nấm: Xanthomonas campestris
Ban đầu vết bệnh là những đốm chấm nhỏ màu vàng trong, sau đó đậm dần rồi hoá nâu, gồ ghề trên bề mặt. Xung quanh vết bệnh có 1 quầng vàng rõ rệt, các vết bệnh có thể rời rạc hoặc kết dính lại tạo thành một mảng lớn trên bề mặt lá. Kích thước của vết bệnh thay đổi tùy theo mức độ mẫn cảm của giống. Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa, ẩm độ cao. Tốc độ lây lan khá nhanh qua nước mưa, nước tưới.

Bệnh thường xuất hiện trên lá làm rụng lá. Đôi khi bệnh xuất hiện trên thân non làm khô cành và chết ngọn.
Biện pháp phòng trị:
- Cắt bỏ và tiêu huỷ các bộ phận bị bệnh.
- Ngăn chặn nguồn xâm nhiễm qua vật liệu vô bầu, công nhân, dụng cụ, nguồn nước.
- Xử lý đất và vật liệu trồng trước khi gieo.
- Phun ngừa bệnh bằng các loại thuốc gốc đồng như Coc85, Championg 77WP, hoặc nhóm kháng sinh…
6. Bệnh thối gốc chảy nhựa
Do nấm Phytopthora sp. gây ra. Lúc đầu bệnh làm vỏ của thân cây ở vùng gốc bị úng nước, thối nâu thành những vùng bất dạng, sau đó khô, nứt dọc, chảy mủ hôi. Cây bệnh ít rễ mảnh, rễ ngắn, vỏ rễ thối rất dễ tuột, nhất là ở các rễ con, lá bị vàng. Nấm gây bệnh này cũng làm thối trái, nhất là trái ở gần mặt đất và thường thấy ở các vườn trồng dày, độ ẩm cao, pH thấp.

Biện pháp phòng trị: bón vôi trên đất nền nuôi cây, phun ngừa bằng các loại thuốc gốc đồng. Nên theo dõi phát hiện bệnh sớm, cạo sạch vùng bệnh, bôi dung dịch thuốc Aliette 800WG.