Quy trình kỹ thuật sản xuất mai vàng

Kỹ thuật canh tác mai vàng
1. Giống mai
Mai vàng tên thường gọi là hoa mai vàng hay cây mai vàng (Tên khoa học: Ochna integerrima). Hiện nay, qua khảo sát thực tế có hơn 30 giống mai vàng các loại. Mai là loại cây trồng đẹp từ thân cho tới hoa và thường được người dân chưng ngoài sân, trong nhà vào dịp tết với mong muốn được may mắn suốt năm. Sau đây là một số giống mai thường được người dân trồng, uốn sửa trở thành sản phẩm độc đáo để người dân trưng bày, thưởng ngoạn khi mùa xuân đến.

1.1 Mai núi: 


Hình 1: Mai Núi

Mai núi còn gọi là mai rừng, là loại mai vàng số trong núi rừng có số lượng cánh từ 12 cho đến 18 cánh, có khi nhiều hơn. Mai này mọc trên những núi đá khô và sống chủ yếu bằng hơi sương, nước mưa và nước ngầm trong lòng đất cộng với khí hậu ẩm thấp của miền núi. Loài mai này thường xuất hiện nhiều tại các vùng núi thuộc Tây Nguyên và nước bạn Campuchia.

1.2 Mai sẻ

Hình 2: Mai Sẻ

Mai sẻ là một loại mai vàng mọc ở những vùng cát trắng gần biển. Loại mai vàng này có thân suôn thẳng và tròn và trổ bông thưa thớt. Mai sẻ mọc rải rác từ các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị vào tận các vùng Duyên hải thuộc miền Trung và có khi thấy chúng ở các vùng đồi cát trắng thuộc miền Nam như Tây Ninh, Đồng Nai, Biên Hòa. Đặc biệt là cây mai này có hoa chùm, rất sai hoa. Tết đến, hoa nở rộ đầy cành, vàng tươi, óng ánh đẹp mắt.
 

1.3 Mai chủy (Mai chùm) 

Hình 3: Mai Chủy

 Mai chủy cũng là một loại mai rừng nhưng thân cây rất to, hoa nhiều, màu vàng đậm, lá rộng, xanh bóng và có hình răng cưa. Loại mai này có hoa mọc thành chùm rất đẹp nên gọi là mai chủy.
 
1.4 Mai châu

Hình 4: Mai Châu

Mai Châu còn gọi nôm na là mai “trâu” vì hoa to và rất phổ biến, mọc khắp nơi ở miền Nam, nhưng không sai hoa bằng mai sẻ. Cây mai này có hoa 5 cánh màu vàng tươi rất đẹp, rất được ưa chuộng để chưng trong ba ngày Tết.
 

1.5 Mai liễu

Hình 5: Mai Liễu

Mai liễu Là cây mai vàng 5 cánh thường, nhưng cành nhánh mềm mại, quằn quại, rũ xuống như vây liễu. Hoa nở đầy cành.


1.6 Mai chùm gửi

Hình 6: Mai Chùm gửi

Là một loại mai vàng sống nhờ trên thân cây khác, nhất là các loại cây cổ thụ to lớn, chúng sống bám vào thân cây, một phần hút chất dinh dưỡng từ đất, một phần hút chất dinh dưỡng từ cây mà chúng bám vào. 

Thân mai chùm gửi cứng, ở đầu cành nổi lên những khối u to, giống như chùm gửi. Ở chung quanh khối u, mọc chi chít đầy tược non, đầy nụ hoa, khi nở thành một bó hoa to. Có người còn gọi là “mai vương” vua các loài mai, hoặc mai “tỳ bà”.
 

1.7 Mai thơm, Mai hương, Mai ngự

Hình 7: Mai hương, Mai ngự

Cũng là cây mai 5 cánh thường, nhưng hoa có màu vàng tươi và mùi thơm nhẹ nhàng, phảng phất. Mai thơm Huế rất quí, mắt nhặt, sai bông, cánh dày, lâu tàn.

Đặc biệt là cây mai này có lá non màu xanh chứ không phải là màu nâu đỏ hoặc hồng như các loài mai khác.

Loại mai thơm ở Bến Tre cũng có. Tết vào vườn mai luôn luôn phảng phất có mùi hương thơm nhẹ.
     

1.8 Mai giảo 

Hình 8: Mai giảo

Mai giảo là loại mai có rất nhiều cánh được ghép lại từ nhiều loại mai khác nhau trên cùng một cây mai. Mai giảo lấy gốc mai vàng làm chủ đạo sau đó ghép nhánh của các loại mai khác vào để cho ra một loại mai có rất nhiều cánh, rất nhiều màu sắc trên cùng một cây mai. Loại này là loại mai nhân tạo mà chúng ta thấy rất nhiều hiện nay trên thị trường mai Tết. 


1.9 Mai vàng cánh nhọn

Hình 9: Mai vàng cánh nhọn

Mai cánh nhọn là cây mai vàng có nụ hoa nhỏ và dài, nên nở ra cánh nhọn như hình ngôi sao.


1.10 Mai vàng cánh tròn

Hình 10: Mai vàng cánh tròn

Mai cánh tròn là cây mai vàng 5 cánh to, tròn, kín, đẹp. Đa số đều thích cây mai này, có người còn quí hơn cây mai nhiều cánh, nhiều màu.


1.11 Mai vàng cánh dún

Hình 11: Mai vàng cánh dún

Đây là cây mai vàng hoa mai có cánh to, đẹp, dún lại như có viền chung quanh, xem rất lạ mắt, được nhiều người ưa thích trồng để chơi hoa, cây này cũng sai hoa.
 
1.12 Mai lá quắn
 

Hình 12: Mai lá quắn

Mai quắn, do lá to xoáy quắn lại rất lạ, hoa 5 -7 cánh to, nở xoè to nhưng 5 cánh cong cong trở lên như lòng thuyền, ngoài đầu hơi đo đỏ, khá đẹp, nhụy cái to rất dài.
 

1.13 Mai rừng Cà Ná, Mai rừng Bình Châu

Hình 13: Mai rừng

Đây là cây mai hoang dại, mọc tại khu rừng Cà Ná, Bình Châu, cũng thuộc họ mai, cây thân nhỏ, cành rất giòn, lá hình bầu dục, có răng cưa mịn, màu xanh bóng loáng, rờ thấy trơn chứ không thấy nhám như lá mai thừơng. Hoa 5 cánh màu vàng nhạt, cuống hơi dài và có màu tím tím.  


Hình 14: Mai tứ quý

1.14 Mai tứ quý

Hình 14: Mai tứ quý

Mai tứ quý là loài mai đặc trưng của vùng Nam bộ. Mai này cũng trổ hoa vàng nhưng sau khi cánh hoa rụng đi thì đài hoa còn lại năm cánh màu đỏ với nhụy hoa và ba hạt màu đen như hạt đậu. Năm cánh hoa màu đỏ cũng tròn và giống hình một đóa hoa mai. Do tính chất nở hai lần trên cùng một đóa nên người ta còn gọi mai tứ quý là nhị độ mai. Mai này trổ bông lác đác quanh năm nên mới gọi là mai tứ quý (xuân, hạ, thu, đông đều trổ hoa). Mai tứ quý thân sần sùi và đen. Có cây phát triển rất to và cao nhưng đa số là những cây lâu năm. Càng lâu năm nhìn nó càng cổ kính và chắc chắn.


1.15 Mai vàng Yên Tử

Hình 15: Mai vằng Yên Tử

 Mai vàng yên tử sống ở vùng núi Yên Tử, chịu được lạnh, và hoa có mùi thơm. 

1.16 Mai Vĩnh Hảo (Mai đá) 

Hình 16: Mai đá

Mai Vĩnh Hảo cũng là cây mai hoang dại mọc ở vùng núi Vĩnh Hảo. Đặc điểm cây mai vàng này rất nặng, có thể gấp rưỡi mai thường khác, nên gọi là “mai đá”. Thân thật cứng, cành nhỏ, giòn, dễ gãy, lá nhỏ, lúc non màu xanh, trong như giấy. Hoa to, cánh phẳng, từ 12 – 16 cánh màu vàng rất đẹp và lâu tàn.


1.17 Mai chuỷ Hốc Môn


 

Hình 17: Mai Chủy Hốc Môn

Mai chủy Hóc Môn cũng thuộc họ mai, là cây mai rừng, loại mai đực, thân màu nâu, cuống lá rụng để dấu rất to, nên dể tháp ghép với các loại mai khác. Lá to dài màu xanh bóng, chung quanh có răng mịn. Hoa chùm dạng chủy như hoa điệp, màu vàng, nên cũng gọi là một dạng mai chủy. Cây mai này ra hoa không đẹp lắm, nhưng là cây mai mới.
Ngoài những loại mai trên, hiện nay nông dân trên địa bàn huyện còn lai tạo ra một số loại giống mai mới rất được thị trường ưa chuộng như: Mai Phú Tân 24, Mai Đại lộc, Mai giảo Bến Tre, Cúc mai nhị đài, Cúc hoàng hậu, Cúc by, Cúc xanh, cúc đọt đỏ, Giảo Thủ Đức, giảo thơm, giảo nhung, giảo trắng, bạch mai.


2. Thu hái và xử lý hạt giống

Việc tuyển lựa hạt giống để trồng là kinh nghiệm nhiều năm của nhân dân ta. Nên chọn lựa và lấy hạt làm giống từ những cây mai mẹ có nhiều ưu điểm nhất trong vườn như sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, nhiều hoa và nở hoa lớn, màu sắc tươi đẹp. Hạt mai vàng có khả năng nảy mầm khá tốt, nên chỉ cần lựa những hạt già (hạt chín sinh lý) cũng dễ dàng mọc lên cây con với tỷ lệ cây sống khá cao.
Hạt mai được chọn làm giống phải là hạt đã chuyển từ màu xanh lá sang màu đen sẫm (hạt già), hạt no tròn, không sâu bệnh. Hạt mai giống mới thu về có thể đem gieo ngay trong vườn ươm, trên nền đất đã đánh liếp hay trên đất chậu, hoặc cất vào giỏ để trong chỗ mát khoảng một tháng sau đem gieo cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng hạt giống.


3. Kỹ thuật gieo hạt mai vàng

3.1 Kỹ thuật gieo hạt trực tiếp vào đất

Vườn ươm hạt mai giống phải được xới tơi xốp và bón lót phân chuồng hoai đầy đủ, sau đó lên liếp để chuẩn bị cho việc gieo hạt. Liếp ươm phải đủ cao, xung quanh phải có mương rãnh thoát nước hữu hiệu để tránh bị úng ngập trong những tháng mưa bão. Hạt mai giống gieo trên liếp nên gieo theo hàng, với khoảng cách hàng cách hàng khoảng 20 cm, hạt cách hạt khoảng 10 cm.

Hình 18: Liếp Mai

Khi gieo hạt vào liếp, dùng cây que to bằng chiếc đũa ăn cơm, cắm vào đất tạo thành lỗ sâu khoảng 2cm rồi gieo hạt xuống, với mật độ 1 hạt/lỗ. Sau khi gieo hạt xong, phủ một lớp mỏng rơm rạ khô trên khắp mặt liếp ươm để che mưa nắng. Tưới nước ngày 2 lần bằng vòi sen và tưới ẩm khắp mặt liếp.
Tùy vào độ ẩm cần thiết của đất gieo hạt mà hạt mai giống có thể nảy mầm sau vài ba tuần hoặc có khi sau một hai tháng. Với những cây mai con mọc chậm, sau này nếu được chăm sóc kỹ, tưới và bón phân đầy đủ, chúng cũng phát triển nhanh.
Trong thời gian gieo, ươm cần chú ý giữ ẩm và tránh không để cho kiến tha mất (kiến ưa hạt mai vì vỏ hạt mai có dầu, kiến chỉ ăn được lớp dầu bên ngoài, nhưng chúng sẽ tha đi).

3.2 Gieo hạt vào bầu nilon

Hình 19: Gieo Mai vào bầu

Gieo hạt vào bầu nilon có kích cỡ thích hợp khi cây đã lớn để vào chậu hoặc đem trồng. Cần trộn đất với phân theo tỷ lệ 3-4 phần đất, 1 phần phân hữu cơ khi trồng mai vào chậu.

3.3 Ươm hạt vào khay 

Hình 20: Ươm Mai vào khay

Gieo hạt vào khai để dể chăm sóc, tưới nước, di chuyển, khi cây có kích thước mong muốn thì chuyển sang bầu nilon hoặc đem trồng.

3.4 Chăm sóc cây mai vàng giai đoạn sau khi mọc

Đất ương hạt được xử lý kỹ, có trộn thêm phân chuồng hoai mục, lên luống cao để chăm sóc, thông thường, bề ngang luống rộng từ 1-1,2m, khi cây mọc cao khoảng 10 - 15 cm thì ra ngôi, tiếp tục chăm sóc tới lớn mới đem trồng vào chậu được. Khi cây mai con lên cao khoảng 20 cm, có thể bứng ra trồng vào bầu ươm, chậu hoặc trồng cố định ở ngoài vườn. Khi bứng cây con cần tránh làm đứt rễ cái (rễ chuột), vì rễ cái bị đứt sẽ không có khả năng mọc lại như các rễ con nên sau này cây sẽ còi cọc, không phát triển được và có thể cây sẽ chết. Vì thế, muốn bứng cây con thì trước đó một buổi nên tưới cho cây thật đẫm nước để cho đất mềm ra, sau đó bứng luôn bầu đất một cách nguyên vẹn, nếu bầu đất do khô mà bị bể khiến đất không còn ôm lấy rễ thì bộ rễ con ít nhiều cũng bị thương tổn, bị đứt ngang hay giập nát nên cây con sẽ dễ mất sức. Cây mai vàng trồng bằng hạt sẽ phát triển chậm, khoảng vài ba năm hoặc hơn nữa mới ra hoa, nhưng rất tiện cho việc uốn sửa thành những dáng thế vì cây con còn non nên từ thân đến cành đều mềm dẻo, đễ uốn sửa.


3.5 Trồng cây mai vàng


Hình 21: Trồng Mai ra vườn

Cây mai sống trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Nhưng dù sao nhiệt độ lý tưởng cho chúng là từ 25 đến 30 độ C. Những nơi có nhiệt độ dưới 10 độ thì cây khó sống, nếu trồng được thì cũng rất yếu. Thời điểm thích hợp nhất là cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Vì giai đoạn mùa khô là giai đoạn cây rụng lá ngủ nghỉ. Những khu vực chủ động được nguồn nước tưới có thể tiến hành trồng quanh năm. Tùy theo độ tuổi của cây lúc đem trồng và mục đích của cơ sở sản xuất: trồng cung cấp cây nguyên liệu cho cơ sở khác, trồng tạo cây nghệ thuật thành phẩm mới bán, trồng để cắt cành bán các dịp tết nguyên đán... mà bố trí mật độ cây khác nhau để trong quá trình sinh trưởng cây không bị ảnh hưởng lẫn nhau. Đồng thời, không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, nhất là khi bứng, chuyển cây.


4. Kỹ thuật chăm sóc cây mai vàng

4.1 Tưới nước cho cây mai vàng

Cây mai không chịu ngập úng, vì rễ cái của mai rất dài nên ngập trong nước lâu ngày rễ sẽ bị thúi khiến cây bị úa héo và chết dần. Ngoài rễ cái ra, quanh đoạn cổ rễ, cây mai còn có vô số rễ bàng mọc tua tủa có nhiệm vụ hút các chất dinh dưỡng trong tầng đất mặt để nuôi cây. Rễ bàng khác rễ cái, rễ cái bị hỏng hay bị đứt không có khả năng mọc dài ra được, nhưng rễ bàng bị đứt chúng lại mọc ra.
Với loại mai trồng đại trà ngoài vườn thường thấy ở những vùng ngoại ô, mỗi ngày hoặc cách ngày tưới nước một lần mới tốt. Tưới nước thẳng vào gốc và xịt  vài tia nhỏ lên khắp tán lá. Thời gian tốt nhất nên tưới là vào lúc sáng sớm (trước 9 giờ) hoặc tưới vào lúc chiều mát. Nếu đất ngập úng cần tiêu nước để cải tạo đất, rửa mặn, xả phèn, tạo thông thoáng cho tầng rễ và hạn chế sự lan tràn mầm bệnh có nguy cơ hại cho cây trồng.


4.2  Bón phân cho cây mai vàng
Bón lót hữu cơ nhằm tăng độ tươi xốp đất, tạo chất đệm, ổn định độ chua của đất tăng hiệu quả của phân vô cơ, giúp đất tơi xốp, giữ ẩm tốt và tăng độ phì nhiêu, giúp hệ rễ phát triển mạnh. Phân hóa học chọn một số công thức phù hợp như: hỗn hợp NPK 16-16-8+TE, NPK 20-20-15+TE, NPK 20-16-8+TE,…với liều lượng thích hợp.


4.3 Cắt tỉa cành
Nếu để cây có quá nhiều cành lá xum xuê thì sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Do đó đều đặn 2 tháng 1 lần thì bạn tỉa cành cho cây 1 lần. Những cành già hay sâu bệnh thì đem cắt tỉa hết đi. Khi cắt dùng kéo chuyên dụng để thực hiện. Cành nào dài quá thì cắt ngắn đi. Mỗi cành chỉ để tầm 4-5 nách lá là được. Cần nhớ 1 điều rằng đây là loại cây phong thủy nên khi tỉa lá, tạo tán cần đặc biệt chú ý. Không chỉ làm cây thoáng, ít sâu bệnh mà dáng cây còn phải đẹp, hợp phong thủy nữa. Các nhà vườn từ cây to cho đến cây bonsai họ đều cắt tỉa và tạo thế cầu kỳ tỉ mỉ. Không những mang ý nghĩa phong thủy tốt mà nhìn còn rất nghệ thuật nữa. Khi cây mai còn nhỏ thì bạn dễ tạo thế hơn. Công việc này cần sự tỉ mỉ, chính xác và tính thẩm mĩ rất cao.


4.4 Phòng trừ sâu bệnh hại

4.4.1 Bọ Trĩ

Hình 22: Bọ trĩ hại Mai

Dịch hại phổ biến nhất trên mai vàng là bọ trĩ (bù lạch). Bọ trĩ thuộc họ Bọ trĩ (Thrippidae) bộ cánh tơ (Thysanoptera). Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ, dài 1-2 mm. Trưởng thành dạng thon, có màu vàng đậm hoặc nâu đen, ấu trùng hình dạng giống trưởng thành có màu trắng vàng đến vàng. Trứng rất nhỏ, hình bầu dục, màu vàng nhạt. Bọ trĩ non mới nở có cơ thể trong suốt, rất nhỏ, chân dài, bụng nhọn, không cánh. Trưởng thành đẻ trứng trong mô lá non. Bọ trĩ trưởng thành và ấu trùng thường sống tập trung ở mặt dưới lá non, gân lá non, ít di chuyển, chích hút dinh dưỡng làm lá biến màu và cong queo. Đọt non bị hại thường sần sùi, cứng và giòn, hai mép lá và chóp lá cong lên. Khi bị hại nặng lá bị vàng và dễ bị rụng, cây phát triển kém. Bọ trĩ thường hiện diện với mật số cao. Vì kích thước bọ trĩ quá nhỏ, nông dân khó thấy bằng mắt thường (nếu không có kính lúp) nên thường lầm tưởng do nấm bệnh gây ra. Bọ trĩ phát sinh nhiều trong mùa nắng, khi thời tiết nóng và khô là điều kiện thích hợp cho bọ trĩ phát triển mạnh. Vòng đời bọ trĩ rất ngắn, nên chúng nhân mật số rất nhanh, khi phát hiện dùng thuốc để trị, phun kỹ mặt dưới lá. Bọ trĩ rất mau kháng thuốc vì thế nên sử dụng thuốc luân phiên Imdacloprid; Pymetrozine; Thiamethoxam….




4.4.2 Nhện đỏ (Tetranychus sp.) 

Hình 23: Nhện đỏ

Nhện di chuyển rất nhanh và nhả tơ mỏng bao thành một lớp ở mặt dưới lá nên trông lá có màu trắng dơ do lớp da để lại sau khi lột cùng với bụi và những tạp chất khác... gây hại làm lá mai bị vàng. Chúng sinh sống và gây hại ở mặt dưới lá, cả ấu trùng và thành trùng (nhện trưởng thành và nhện non) nhện đỏ đều ăn biểu bì và chích hút mô dịch của lá cây khi lá bước vào giai đoạn bánh tẻ trở đi làm cây bị mất màu xanh và có màu vàng, làm cho mặt trên của lá bị vàng loang lỗ (những chấm trắng vàng rất rễ nhận ra trên mặt lá), còn ở mặt dưới lá có những vết trắng lấm tấm giống bụi cám, nhìn kỹ thấy trên đó có lớp tơ rất mỏng. Phòng trừ bằng thuốc trị nhện như Emectin; Abamectin; Imdacloprid… luân phiên thuốc khi sử dụng
 

4.4.3 Sâu ăn lá (Delias aglaia).

Hình 24: Sâu ăn lá mai

Sâu non gặm nhấm làm khuyết lá, khi lớn chúng nhả tơ kéo vài lá non lại với nhau, rồi nằm bên trong cắn phá, làm cho lá bị khuyết, nếu nặng lá có thể bị cắn phá đến phân nửa, đôi khi chỉ còn trơ lại một đoạn gân chính ở gần cuống lá... trị bằng cách phun thuốc Cypermethrin; Emamectin..


4.4.4 Bệnh cháy lá (Pestalotia funerea) 

Hình 25: Bệnh cháy lá mai

Bệnh gây hại chủ yếu trên lá. Triệu chứng nhận biết đầu tiên ở chóp lá và mép lá bị cháy thành từng mãng, màu nâu xám. Về sau vết bệnh lan dần vào trong phiến lá, tạo thành những mãng lớn, có ranh giới rõ rệt với phần xanh còn lại của lá. Bệnh nặng có khi cháy hơn nữa lá, làm giảm khả năng quang hợp. Lá bị bệnh chuyển màu vàng và rụng sớm, cây mai bị bệnh trông rất xơ xác. Bệnh thường phát sinh trên các lá già, lá non ít bị bệnh. Bệnh thường phát sinh trên những cây mai cằn cỗi, ít chăm sóc, nhất là mai trồng trong chậu ít được bón phân. Khi phát hiện bệnh nên chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối NPK; ngắt bỏ và thu dọn các lá bệnh rụng dưới gốc, phun các loại thuốc gốc đồng.


4.4.5 Bệnh đóm rong (Cephaleuros virescenns)

Bệnh thường gây hại trên lá, bệnh nặng gây hại cả trên thân và cành. Triệu chứng phát hiện trên lá có những đốm tròn khoảng 3-5mm, mọc hơi nhô lên bề mặt lá, nhìn giống như một lớp nhung mịn, có màu xanh xám hoặc màu đỏ nâu, khi vết bệnh cũ chuyển sang màu xám nâu. Khi gặp điều kiện thích hợp, vết bệnh lan rộng nhanh, có khi bằng đầu ngón tay, ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy mô lá bị hoại và cả sợi tảo mọc xuyên qua có màu đỏ nâu. Bệnh nặng, trên lá có rất nhiều đốm chi chít dày đặc, phủ kín mặt lá. Bệnh thường xuất hiện trên những lá đã trưởng thành. Trên thân, cành, vết bệnh có hình tròn hoặc hình bầu dục sau đó lớn dần thành từng mãng, trên vết bệnh có lớp tơ mịn màu xanh rêu, giữa vết bệnh có màu đỏ nâu. Nguồn bệnh có khả năng lây lan rất nhanh. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, ở những vườn mai trồng dày thiếu thông thoáng hoặc những cây mai lâu năm. Để phòng trừ bệnh đốm rong nên thường xuyên tỉa bỏ các cành rườm rà, tạo thông thoáng cho cây. Không nên đặt những chậu mai quá khít nhau. Khi phát hiện bệnh đốm rong trên lá, sử dụng thuốc gốc đồng hoặc thuốc gốc lưu huỳnh phun trên lá. Nếu bệnh trên thân, cành có thể sử dụng thuốc gốc đồng quét lên thân, cành. Trên những cây mai thường xuyên bị nhiễm bệnh đốm rong có thể dùng vôi quét lên thân vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa để phòng ngừa bệnh.


4.4.6 Bệnh đốm lá  (Pestalotia palmarum)


Hình 26: Bệnh đốm lá mai

Đầu tiên bệnh xuất hiện chỉ là một chấm nhỏ li ti, sau đó vết bệnh lan nhanh cả lá, viền vết bệnh có mầu nâu đậm, chỗ tiếp giáp giữa mô bệnh và mô khoẻ có quầng mầu vàng nhạt. Bệnh nặng lá bị vàng rồi cháy lỗ chỗ, nhất là bìa lá, làm lá quăn queo. Bệnh thường xuất hiện trên những lá già rồi lan dần đến lá non, đọt non. Ở nhánh non bị bệnh làm lá bị rụng, đọt bị cháy khô, cây chậm phát triển


4.4.7 bệnh đốm đồng tiền

Hình 27: bệnh đốm đồng tiền mai

 Ban đầu vết bệnh chỉ là những đốm rất nhỏ 2 - 3 mm, sau đó phát triền dần lên có đường kính 3 - 5 cm. Trên thân và cành mai già vết bệnh đa số có dạng hình tròn hoặc hơi tròn như đồng tiền, màu xám trắng hay xám xanh. Vết bệnh tạo thành những mảng như da beo. Thân cây xù xì. Nếu nặng nhiều vết bệnh sẽ liên kết lại thành mảng lớn có hình dạng bất định, có thể nhiều lớp chồng chất lên nhau làm cho lớp vỏ của cây dày lên, có độ xốp giống như một lớp nhung bao quanh gốc cây mai. Không nên trồng hoặc sắp xếp những chậu cây trong vườn quá dày, để vườn được thông thoáng, khô ráo, dưới tán, dưới gốc cây nhận được thêm ánh sáng mặt trời. Thiết kế mặt liếp để trồng cây (hoặc để đặt chậu) theo hình mai rùa, xẻ rãnh thoát nước để nước không đọng lại trên mặt vườn trong mùa mưa. Để phòng trừ đốm đồng tiền nên thường xuyên tỉa bỏ các cành nhánh rườm ra, tạo thông thoáng cho cây. Định kỳ hàng năm phun 2-3 lần, phun ướt đều thân cây bằng các thuốc gốc đồng.


4.4.8 Bệnh mốc cam (Coniothyrium fuckelli)
 

Hình 28: Bệnh mốc cam

Bệnh hại chủ yếu trên cành và lá non; vết bệnh lúc đầu là những đốm mầu hồng (hơi giống màu đỏ đồng), sau đó vết bệnh cứ phát triển rộng dần ra bao quanh hết cả đọan cành, đồng thời cũng phát triển lên cả phía trên và phía dưới của chỗ bị bệnh. Khi vết bệnh đã bao quanh kín hết cả một đọan cành thì đa số những lá mai phía trên chỗ bị bệnh sẽ có màu vàng, xanh loang lổ, rồi bị rụng dần, khúc cành phía trên chỗ bị bệnh trở lên khô nứt, giòn dễ gẫy. Bệnh nặng làm cành khô và chết.


5. Cách ghép mai vàng
 Trước tiên, phải chuẩn bị giống Mai để tiến hành thực hiện công việc ghép Mai. Những giống Mai ưng ý  được thị trường tìm kiếm. Chuẩn bị gốc ghép cây phải được chăm sóc chu đáo, lá và cành sum suê, bộ rễ đầy đủ để sau khi ghép cây đủ sức để đưa nhựa lên nuôi cây. Thao tác ghép phải nhanh và chính xác nếu không thì mối ghép sẽ bị khô và hư khi chưa đến ngày tháo ra. Thường có 2 cách ghép chính:
Ghép mắt: Dùng dao rạch ô nhỏ bên cây ghép, và cũng rạch bên cành Mai ô nhỏ hơn một chút để khi đặt vào vừa khít và thật nhanh. Dùng dây ni lông thật mịn, quấn xung quanh mắt ghép không cho nước và ánh sáng lọt vào dễ làm thối và khô mắt ghép.
Ghép Mắt Mai: Sau khi ghép phải ghi rõ ngày ghép, để sau này tính ngày mở ra. Sau 10 - 15 ngày tháo dây ra, mắt ghép vẫn còn tươi thì xem như việc ghép thành công, thời gian tháo dây vào buổi chiều mát, buổi trưa quá nóng nên che bớt cho cây Mai để mối ghép phát triển tốt hơn.

Hình 29: Cách ghép mắt mai

Ghép nêm: Cây Mai được cắt tỉa hầu như còn lại một ít lá thôi. Cành chuẩn bị ghép cũng không quá già, cắt gần sát thân cây và dùng dao bổ vào. Cành ghép không non quá và cũng không già quá, là những cành bánh tẻ có da bóng láng cắt và gọt mỏng hai bên hông đọt và cắm vào cành Mai gốc ghép.
 

Hình 30: Ghép nêm

Thao tác cũng phải nhanh để chống khô đọt Mai ghép, dùng bao ni lông trùm kín phần mới ghép xong. Khoảng từ 10 - 20 ngày mới tháo bao ni lông khi đọt Mai vừa chớm bung tược, nên mở vào lúc chiều mát, tốt nhất nên che bớt nắng buổi trưa, tránh Mai non quá héo phần tược mới ghép.Trước và sau khi ghép giữ độ ẩm vừa phải, lúc này cây Mai không còn lá nhiều hoặc không còn lá cho nên việc tưới không quá ướt.


6. Cách tỉa mai vàng để tạo thế

Khi trồng mai vàng để chơi kiểng, cần phải thành thạo các kỹ thuật tỉa sửa như căng kéo, cắt tỉa uốn nắn, neo, cảo, quấn dây đồng, đục, khoét, làm lão hóa… để tạo ra một cây bonsai có tư thế đẹp và giá trị.

6.1 Cách tỉa sửa rễ cho cây mai 
 

Hình 31: Sửa đế mai

Có thể nói, tỉa sửa rễ là khâu quan trọng nhưng khó khăn nhất trong quá trình tạo thế bonsai cho cây mai kiểng vì phần rễ cây thường cứng, giòn và nằm sâu dưới đất. Tuy nhiên, với mai bonsai, bộ rễ cũng phải nổi hẳn lên trên nên bạn cần phải moi rễ lên và tiến hành chỉnh sửa theo kiểu xòe ra bốn phía hay kiểu lồi lõm ngoằn ngoèo trên miệng chậu. Nếu khéo tay và có kỹ thuật hơn, có thể tự tạo ra những bộ rễ quý có dạng hình chân thú như chân long, ly, quy, phụng vô cùng đẹp mắt và quý hiếm.

6.2 Cách tỉa gốc cây mai 

Hình 32: Sửa gốc mai

Là loại cây đơn thân nên cây mai thường có gốc rất to, nhất là những cây mai được trồng lâu năm. Do đó, để đơn giản hơn trong khâu chỉnh sửa, cần tiến hành cắt tỉa phần gốc này ngay từ khi cây còn nhỏ. Bằng cách cắt, gọt, đẽo, đục… có thể tạo ra nhiều tư thế gốc khác nhau sao cho phù hợp với từng dáng cây, chẳng hạn như tư thế đứng hay tư thế nằm, thế nghiêng…


6.3 Sửa thân cây mai 
 

Hình 33: Sửa thân mai

Là bộ phận to thứ hai sau gốc, việc sửa thân cây mai kiểng cũng không hề đơn giản, đòi hỏi phải có đủ các dụng cụ cần thiết như nòng sắt, cây nêm, cảo, dây đồng, dây kẽm… trước tiên, cần phải mường tượng ra được thế uốn mà mình muốn. Sau đó dùng nòng sắt uốn theo thế đã định sẵn và dùng dây kẽm buộc ép sát thân cây mai vào nòng sắt dần dần từ gốc trở lên. Lưu ý là trong quá trình uốn, phải thực sự nhẹ tay vì thân cây rất ngắn và giòn, nếu cần thiết thì uốn từ từ trong nhiều ngày để cây thích ứng dần với hình dáng mới. Cứ để lâu ngày như thế, thân cây mai kiểng sẽ dần cong theo thế uống của nòng sắt đúng như những gì mà bạn mong muốn. Nên nhớ rằng giá trị của mai bonsai phụ thuộc phần lớn vào cách tỉa mai vàng ở phần thân.


6.4 Cách tỉa sửa cành mai 


Hình 34: Sửa cánh mai

Sau khi uốn thân là đến cành, vì cành mai bé hơn nhiều so với thân nên việc uốn nắn cũng dễ dàng hơn, chỉ cần dùng dây đồng hoặc dây kẽm quấn ôm sát vào từng cành và nắn nó theo hình dạng mong muốn là được. Tuy nhiên, thế cành cũng cần phù hợp với thế bonsai của thân, nếu không thì tổng hòa cây mai kiểng trông sẽ không được đẹp.Thế cành cũng cần phù hợp với thế bonsai của thân.Theo kiểng cổ thì khi uốn một tán cây ở nguyên vị trí của nó thì gọi là tàn văn, còn nếu uốn tán cây kéo từ bên này sang bên kia thì gọi là tàn võ. Với những nhánh cây lớn không thể dùng dây kẽm để uốn thế được thì có thể dùng nòng sắt để nắn như khi nắn thân cây.


6.5 Tỉa lá mai vàng
Với mai kiểng trồng trong chậu để chơi cảnh trong nhà thì cần phải tỉa lá cho thông thoáng. Mục đích chính của việc tỉa lá là để làm nổi lên thế bonsai của gốc, rễ, thân và cành mai. Có thể dùng dụng cụ chuyên dụng cho việc cắt tỉa cây cảnh để cắt bỏ những chiếc lá xấu, lá dư thừa hay những chiếc lá chê khuất tầm nhìn vào mặt chính của cây.


7. Kỹ thuật uốn cây mai vàng

Để tạo thế mai vàng, bạn buộc phải thực hiện kỹ thuật uốn cây. Thời điểm thích hợp nhất để uốn mai là khi cây còn nhỏ. Khi cây lớn, cành, thân sẽ to và rất dễ gãy nên khó uốn hơn nhiều. Trước khi tiến hành uốn mai, cần xác định độ chịu đựng của cành và thân xem chúng có dẻo hay không, nếu bị bẻ ngược có gãy hay không bằng cách uốn từ từ ở một vị trí, một mức độ nhất định nào đó. Nếu cây vẫn chịu đựng được sẽ tiếp tục uốn vào vài ngay sau. Ngoài việc xác định độ chịu đựng của thân và cành mai, còn phải áp dụng những phương pháp uốn thích hợp. Một số phương pháp uốn cây mai vàng có thể tham khảo và lựa chọn như sau:

7.1. Phương pháp sử dụng dây chằng xoắn
Đây là phương pháp sử dụng một loại dây đồng mảnh có đường kính từ 1 - 1,5mm để uốn nắn cành và thân mai. Đầu tiên, buộc hai đầu dây chằng vào những điểm cần uốn nắn như: cành, nhánh, rễ hay các lỗ bên hông chậu, móc, đinh vít ở thân. Tiếp theo, dùng một thanh kim loại chắn ngay điểm giữa của dây và bắt đầu xoay để xoắn. Khi thực hiện thao tác xoắn, độ dài của sợi dây sẽ rút ngắn lại đồng thời các điểm cần uốn nắn sẽ xích lại gần nhau. Đối với những cành mai to, dễ gãy, có thể từ từ thực hiện thao tác xoắn dây. Mỗi ngày có thể xoắn một ít cho đến khi tạo được dáng uốn như ý. Cuối cùng khi mai đã thành hình như mong muốn, bạn chỉ cần cắt và tháo các đầu của dây chằng ra.

7.2  Phương pháp sử dụng nẹp uốn
Phương pháp sử dụng nẹp uốn cũng gần giống như phương pháp sử dụng dây chằng xoắn. Tuy nhiên thay vì dùng thanh kim loại đặt vào giữa để xoắn, kéo hai điểm được cố định ở hai đầu dây chằng xích lại gần nhau thì với phương pháp sử dụng nẹp uốn, bạn sẽ dùng 1 thanh kim loại để siết chặt 2 đầu của nẹp uốn lại. Phương pháp dùng nẹp uốn có ưu điểm là kéo được những cành có khoảng cách xa nhau mà phương pháp dùng dây chằng không làm được. Tuy nhiên với những không gian chật hẹp thì phương pháp này tương đối bất tiện hoặc không thể áp dụng được.

7. 3 Phương pháp khóa uốn cành
Khóa uốn cành là phương pháp sử dụng một dụng cụ bằng kim loại có hai răng để kẹp chặt các cành sau đó dùng lực tác động lên để uốn cành vào đúng vị trí như mong muốn. Tiếp theo kết hợp dùng dây chằng để buộc và cố định, giúp cành dần vào dáng uốn.

7.4 Phương pháp nẹp ba chân
Nẹp ba chân cũng là một dụng cụ để uốn các cành cứng. Với dụng cụ này, bạn sẽ móc hai chân của dụng cụ vào cành định uốn. Tiếp theo điều chỉnh ren ở chân còn lại sao cho hai chân móc xích lại gần nhau đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa cành muốn uốn. Khi sử dụng dụng cụ này, cần lót thêm một miếng đệm cao su vào các điểm móc nẹp để không làm cho vỏ mai bị tróc.


8. Kỹ thuật xử lý ra hoa vào dịp Tết
Cần áp dụng đồng bộ: Bón phân - Xiết nước - Tuốt lá. Từ đầu tháng 10 âm lịch hạn chế bón các loại phân có hàm lượng đạm (N) cao. Từ giữa đến cuối tháng 11 âm lịch, dừng bón phân vào gốc và hạn chế tưới nước để chuẩn bị tuốt lá. Từ 7-10 tháng Chạp, nếu thấy mai sung sức, đã có nụ lớn thời tiết dự báo nắng ấm thì mai sẽ nở sớm, do vậy đối với mai 5 cánh cần tuốt lá vào khoảng 18-20 tháng Chạp.
 Ngược lại nếu cây mai không sung sức, mới xuất hiện nụ nhỏ, dự báo rét kéo dài thì phải tuốt lá khoảng ngày 13-16 tháng Chạp. Đối với mai nhiều cánh cần tuốt lá sớm hơn so với mai 5 cánh từ 4-6 ngày. Trước khi tuốt lá cần ngừng tưới nước 2-3 ngày để lá bắt đầu đanh lại, gân lá nổi lên thì tuốt lá, đồng thời tưới lại thật đẫm. Đúng "Tết ông Táo", nếu thấy hoa cái bung vỏ lụa là chắc chắn hoa nở đúng tết; Nếu hoa cái chưa bung vỏ lụa là mai nở muộn nên cần xiết nước (ngưng tưới), đem phơi ngoài nắng (nếu trồng chậu) sau vài ngày thì tưới thật đẫm trở lại bằng nước ấm (45-50 độ C) đồng thời thúc mai bằng cách hòa loãng phân NPK (10-20g khoảng 1 muỗng canh, hòa loãng với 10 lít nước) tưới cho cây để thúc cây nở hoa sớm cho đúng tết. 
 Nếu hoa cái đã bung vỏ lụa trước "tết Ông Táo" thì mai sẽ nở trước tết nên cần phải hòa 10-20 gam phân urea/10 lít nước để tưới. Đồng thời cần tưới bằng nước lạnh (có thể cho một ít nước đá vào) và dùng lưới bạt che nắng để hãm mai nhằm giúp hoa nở đúng tết. Đối với những năm nhuận, thường mai sẽ nở sớm hơn nên cần kéo dài thời gian bón phân thúc và tưới nước so với những năm thường để thời gian tăng trưởng thân lá lâu hơn, giúp mai nở đúng tết. Việc tuốt lá, phun phân bón lá cũng theo nguyên tắc trên. Từ cuối tháng 11, nếu có mưa bất thường thì mai sẽ nở sớm do đó cần chủ động nắm bắt dự báo để có thể làm dàn che hay phủ nilon che gốc để tránh mưa./.