I. KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG
Bơ là cây ăn trái cung cấp nhiều dinh dưỡng tốt cho cơ thể con người, là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Hiện nay, vấn đề nhân giống cây Bơ để mở rộng diện tích canh tác đang là vấn đề được bà con nông dân quan tâm hàng đầu.
Nhưng làm thế nào để nhân giống mà vẫn giữ được những phẩm chất tốt của cây Bơ mẹ là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong kỹ thuật nhân giống Bơ. Vì hoa của Bơ là loài lưỡng tính thời điểm nở của nhị hoa và nhụy hoa không đồng đều nên cây Bơ thường hay bị lai tạp giữa nhiều dòng khác nhau và không giữ được những phẩm chất tốt ban đầu từ cây bố mẹ.

Dùng hạt để nhân giống không mang lại hiệu quả tối ưu và phương pháp thường được sử dụng là phương pháp nhân giống vô tính vừa mang lại hiệu quả cao vừa giữ được những phẩm chất tốt của cây mẹ. Tại Bến Tre, phương pháp nhân giống Bơ thông dụng nhất được sử dụng là tháp đoạn cành, phương pháp này được tiến hành như sau:
1. Chuẩn bị giá thể:
Trong các thành phần của giá thể bầu ươm cây giống, tỷ lệ các thành phần và phân bón có vai trò cực kỳ quan trọng, giúp cho cây sinh trưởng tốt.
Để có hỗn hợp đất ươm cây tốt, cần trộn đều đất mặt đập nhỏ, mụn dừa đã xử lý tanin và lignin, trấu, tro trấu theo tỷ lệ như sau 1:5:3:1. Khi trộn đều các hỗn hợp trên sẽ làm tăng thêm độ tơi xốp cho đất, giúp đất không bị nén lại sau khi tưới nước hoặc để lâu ngày. Giá thể có khả năng giữ nước rất hiệu quả, giúp cây con trồng trong bầu ươm có sức sống càng cao.
Giá thể sau khi trộn sẽ được cho vào các bầu nuôi cây giống màu đen để tiến hành ươm hạt Bơ. Đường kính và chiều cao của bầu thường là 14-15cm và 30-32 cm. Số lỗ thoát nước từ 20-30 lỗ/ bầu, đường kính lỗ 0,6-0,8 cm. Giá thể phải cho vào đầy bầu ươm.
2. Chuẩn bị gốc ghép:
Hạt được lấy làm gốc ghép thông thường nông dân mua Bơ trái về ăn để lấy hạt hay mua hạt từ các chợ đầu mối về ươm. Tuy nhiên, việc chọn hạt như thế để ươm làm gốc ghép thì tính chống chịu của gốc ghép sau khi trồng sẽ không tốt bằng chọn hạt trên những cây bơ trồng bằng hạt có khả năng chống chịu với điều kiện khắc nghiệt.
Phương pháp lấy hạt Bơ: sử dụng dao cắt dọc theo quả Bơ nhưng đừng cắt quá sâu (1,3cm) sẽ phạm vào hạt, sau đó vặn hai nửa quả ngược chiều nhau để tách ra. Hãy xác định phần đầu (nơi nảy mầm) sẽ gần cuống và đuôi (nơi mọc rễ) sẽ gần chóp của quả, để không làm tổn thương hạt. Khéo léo lấy hạt ra rửa sạch hạt Bơ và ngâm hạt trong nước khoảng 5 phút. Tiếp đến, rửa hạt Bơ thêm một lần nữa và tiến hành tách lớp vỏ bên ngoài của hạt. Ở bước này, cần rửa kỹ hạt Bơ để tránh nấm mốc phát triển, sau đó dùng các loại thuốc gốc đồng liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì để xử lý hạt nhằm phòng ngừa nấm tấn công gây thối hạt.
Tiếp đến tiến hành ươm hạt vào bầu đất đã chuẩn bị trước theo chiều dọc của hạt, cắm phần đầu xuống dưới và phần cuống hướng lên trên. Đặt bầu cây ở nơi có nhiều nắng và cần giữ độ ẩm cho cây để cây nảy mầm tốt. Sau 4-8 tuần cây sẽ bắt đầu nảy mầm. Gốc ghép được được chăm sóc trong bầu thời gian khoảng 4 tháng tuổi là có thể tiến hành ghép.

3. Chuẩn bị cành ghép:
- Chọn vườn Bơ nhân giống: chọn vườn Bơ để nhân giống là phải chọn vườn đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp quyết định Công nhận vườn cây đầu dòng còn hiệu lực.
- Chọn cành để lấy mắt tháp: chọn cành trên những cây sinh trưởng phát triển tốt, cành không quá già, vỏ cành còn màu xanh, không bị sâu bệnh.

4. Phương pháp ghép:
- Trên gốc ghép cắt bỏ phần ngọn cách mặt bầu từ 30-35cm, sau đó dùng dao bén chẻ từ trên xuống khoảng 10-15cm.
- Trên cành ghép: cắt một đoạn cành có chứa mầm ngủ dài khoảng 5-6cm, sau đó vạt hai bên giống hình cây niêm rồi chui vào gốc ghép đã chẻ sẵn, dùng dây ghép chuyên dùng quấn từ dưới lên theo kiểu lợp nhà để không cho nước rơi vào làm ướt nơi vừa ghép làm ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của quá trình ghép, cuối cùng dùng bao PE cỡ bao làm sinh tố trùm kín phần vừa ghép xong và chăm sóc trong nhà mát.

Một số lưu ý khi ghép bơ:
Khi thực hiện cách ghép cây Bơ có một số lưu ý sau:
+ Để thuận tiện cho quá trình chăm sóc nên xếp cây đã ghép hoàn chỉnh thành hàng.
+ Vị trí xếp cây không bị ánh nắng chiếu trực tiếp, không bị đọng nước, ẩm ướt.
+ Chỉ nên để lại 1 chồi khỏe mạnh và cân đối nhất sau khi chồi mọc từ các mắt chồi để cây ghép sau này phát triển tốt.
+ Thường xuyên kiểm tra để loại bỏ các chồi vượt mọc từ gốc ghép tránh tình trạng các chồi này cạnh tranh dinh dưỡng với chồi ghép.
+ Phun xịt thuốc trừ sâu để hạn chế côn trùng chích hút vào thời gian đầu chồi mới nảy mầm.
+ Sau khi ghép từ 3 đến 6 tháng có thể mang cây ra trồng.
5. Chăm sóc Bơ sau khi ghép
Thời gian chăm sóc trong nhà mát có thể kéo dài tùy theo yêu cầu của khách hàng nhận cây bao nhiêu cơi đọt thì thời gian sẽ thay đổi theo. Thông thường thời gian chăm sóc trong vườn ươm khoảng 2-3 tháng.
Tuy nhiên, sau khi đã hoàn thành công đoạn ghép thì cần phải nắm được cách chăm sóc cây Bơ sau khi ghép:
+ Khoảng 20 đến 25 ngày chồi sẽ bật mầm và khi đó cần bỏ phần túi PE trùm lên mắt sau khi ghép đi. Với những cây ghép trong vườn ươm cần để ở nơi cao ráo, thoáng mát hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Những cây ghép trưởng thành hoặc cây con đã trồng ra đất cần vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ để hạn chế nấm bệnh cũng như các va chạm vật lý gây tổn thương chồi ghép.
+ Chăm sóc đến khi chồi phát triển từ các mầm ngủ đạt khoảng 5cm chọn 1 đến 2 chồi khỏe mạnh giữ lại, loại bỏ các chồi vượt mọc lên từ gốc ghép.
+ Tiếp tục chăm sóc khi lá đã thuần thục kiểm tra vết ghép có dấu hiệu bị bó cứng dùng dao cắt và gỡ bỏ dây ghép.
+ Theo dõi tưới nước đầy đủ và bón phân hợp lý bằng các loại phân như DAP; NPK 20-10-10; 15-15-15… cho cây trong vườn ươm.

6. Phòng trừ sâu bệnh
6.1. Nhện ve: (Persea mite)
- Gây hại: Nhện ve gây hại nghiêm trọng trên cây Bơ, chúng sống và kiếm ăn trong các đốm trông như vết hoại tử xuất hiện dọc theo các gân chính ở mặt dưới của lá. Nhện phát triển mạnh nhất vào mùa hè, khi nhiệt độ cao. Trong vườn có các cây trồng ký chủ phụ, không có thiên địch càng tạo điều kiện cho Nhện gây hại.

- Biện pháp phòng trừ: thường xuyên thăm và kiểm tra vườn để phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Sử dụng nấm xanh, nấm trắng phun xịt định kỳ và phun liên tục khi Nhện xuất hiện mật độ cao; sử dụng các loại thuốc hoá học có gốc lưu huỳnh để phun xịt, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. Lưu ý: nên luân phiên thuốc thường xuyên để tránh hiện tượng kháng thuốc.
6.2. Mọt đục thân cành: (Euwallacea sp.)
- Gây hại: Mọt đục cành Euwallacea sp. gây hại rất lớn trên cây Bơ và nhiều loại cây trồng khác. Mọt cái đục vào thân cành, tạo thành đường hầm và đẻ trứng, mọt non tiếp tục đục khoét, sinh sôi và lây lan. Mọt đục cành Euwallacea sp. có ổ nấm cộng sinh “mycangia” trong cơ thể (Fusarium euwallaceae, Graphium euwallaceae,Acremonium pembeum). Mọt gieo nấm trong các đường hầm để làm thực phẩm, làm cho đường hầm bị ướt, chuyển màu đen, nấm Fusarium lây lan sang phần mô khỏe, mạch gỗ chuyển màu nâu, đen, lá bị héo và gây chết cành, khô cây.

- Biện pháp phòng trừ: trên cây giống, để hạn chế tối đa cây bị nhiễm mọt đục cành nên áp dụng biện pháp phòng là chính vì nếu để mọt đục vào thì giá trị thương phẩm của cây sẽ giảm không tiêu thụ được. Biện pháp có hiệu quả cao là thường xuyên thăm vườn, không để cây trong khu nuôi dưỡng quá dày, tạo điều kiện thông thoáng cho vườn, khi phát hiện có sự hiện diện của thành trùng trong vườn thì dùng tay bắt để tiêu huỷ, sau đó sử dụng thuốc phun ngừa để diệt trứng như: Abamectin, Emamectin Benzoate… Liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì và phun đều trên cây trong vườn.
6.3 Rệp sáp hại Bơ (Pseudococcus sp.)
- Gây hại: Có kích thước nhỏ, màu trắng hoặc vàng nhạt, bao phủ bởi một lớp sáp trắng. Chúng sống theo bầy đàn và ẩn nấp tại các kẽ lá, kẽ cành, phần gốc rễ của cây bơ. Chúng chích hút nhựa cây làm cho cây bị cạn kiệt dinh dưỡng, suy yếu và chết dần. Rệp sáp thường gây hại vào mùa khô, khi cây bơ thiếu nước và yếu ớt. Rệp sáp gây hại trên cây bơ ở nhiều bộ phận khác nhau, từ lá, cành, thân đến rễ và quả.

Rệp sáp thường tấn công vào các bộ phận non của cây và nơi giàu chất dinh dưỡng. Rệp sáp di chuyển xuống rễ và gốc cây vào mùa khô và hút chích chất dinh dưỡng làm cho cây kém phát triển. Chúng thường để lại một lớp sáp màu trắng tại vị trí chúng tập trung.
- Biện pháp phòng trừ:
- Phun nước mạnh vào các bộ phận của cây Bơ để rửa trôi bớt rệp sáp, đồng thời tạo ẩm cho cây.
- Bón phân cân đối, sử dụng phân hữu cơ hoặc phân vi sinh để tăng sức đề kháng cho cây Bơ.
- Bảo vệ và phát triển các loài thiên địch tự nhiên của rệp sáp, như các loài ong, ruồi, cánh cam, bọ rùa và bướm ăn thịt.
- Sử dụng các biện pháp xử lý sinh học có chứa nấm xanh-Metarhizium spp. và nấm trắng-Beauveria spp., có tác dụng tiêu diệt rệp sáp bằng cách ký sinh và gây bệnh.
- Biện pháp hóa học: có thể sử dụng các loại thuốc hóa học chứa hoạt chất như Acetamiprid để diệt rệp sáp.
6.4 Bọ cánh cứng ăn lá trên Bơ
- Gây hại: Bọ cánh cứng ăn lá trên cây Bơ hầu hết thuộc nhóm Adoretus, có đến hàng trăm loại, nhưng hầu hết là loại Adoretus ictericus và Adoretus sinicus. Thường gây hại vào ban đêm từ 19h trở đi. Bọ cánh cứng ăn lá Bơ, thường tấn công mạnh các cây nhỏ mới trồng từ 2 năm trở xuống. Khi ăn lá chúng làm cho cây giảm quang hợp, chậm phát triển, nếu cây đang ra bông, ra chồi chúng có thể ăn cụt ngọn, mất bông giảm năng suất. Đặc biệt đối với cây Bơ giống, khi bị bọ cánh cứng tấn công làm cho lá, đọt bị hư làm giảm giá trị thương phẩm rất khó tiêu thụ.

- Biện pháp phòng trừ: trên vườn nuôi cây giống, dựa theo tập tính của loài dịch hại này vào ban đêm có thể dùng đèn pin rọi bắt để tiêu diệt chúng; riêng việc sử dụng thuốc hoá học nên sử dụng các loại thuốc có tính lưu dẫn 2 chiều, thẩm thấu vào mạch lá mô thực vật, sẽ cho hiệu quả tốt hơn, các loại thuốc trừ sâu tiếp xúc thì phải phun trực tiếp lên bọ mới có hiệu quả. Một số hoạt chất phù hợp: Thiamethoxam, Carbosulfan, Chlorantraniliprole… Nên phun vào buổi chiều mát, kết hợp thêm các loại chất bám dính để tăng hiệu quả.
6.5 Bọ xít muỗi (Helopeltis spp.)
- Gây hại: thường xuất hiện chích hút nhựa vào sáng sớm và chiều mát, những ngày âm u có thể hoạt động cả ngày, gây hại bắt đầu từ đầu mùa mưa đến cuối mùa mưa, là giai đoạn cây tập trung đâm chồi, lá non và ra hoa kết trái. Bọ xít muỗi chích hút lá non, chồi non, hoa vết chích tạo ra đốm đen làm cho lá non, đọt non bị quăn và trở nên méo mó, dị dạng sau đó bị khô từ chóp lá, hoa bị hại héo khô, chích trái non làm rụng trái, trái già bị chai, trái nứt. Bọ xít trưởng thành hại nhiều hơn con non. Gây hại chủ yếu vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Bọ xít muỗi phát triển mạnh trong các vườn có độ ẩm cao, thiếu thông thoáng. Vườn mất cân bằng sinh thái, không có thiên địch.

- Biện pháp phòng trừ:
+ Thăm vườn thường xuyên vào chiều tối hoặc sáng sớm để kịp phát hiện bọ xít muỗi đặc biệt là trong giai đoạn cây Bơ ra đọt non và mang quả non. Tiến hành thu gom lá, cành, quả ngay khi mới bị bệnh, đem ra khỏi vườn để chôn lấp, tiêu hủy.
+ Chọn giống tốt sạch bệnh, kháng bệnh.
+ Bón phân cân đối hợp lý.
+ Tạo thông thoáng trong vườn nuôi cây giống, đặc biệt tạo điều kiện cho ánh sáng chiếu trực tiếp vào vườn để toàn bộ thân, cành cây đều có ánh sáng.
+ Biện pháp hóa học: Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật đã đăng ký phòng trừ bọ xít muỗi trên các cây trồng khác như Abamectin, Emamectin benzoate, Alpha cypermethrin, Cypermethrin, Citrus oil… phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát lúc bọ xít muỗi hoạt động gây hại mạnh, phun thời điểm bọ xít non phổ biến tuổi 1-3 hiệu quả cao hơn.
6.6. Bệnh héo rũ: (Nấm Verticillium albo atrum)
- Gây hại: Bệnh thường tấn công phần lá của cây sau đó lan rộng ra các phần còn lại và làm cây chết. Bào tử nấm bệnh thường lưu tồn trong đất cho đến khi gặp được điều kiện môi trường thuận lợi như mưa nhiều, đất vườn có độ ẩm quá cao, vườn thiếu thông thoáng sẽ phát sinh và gây bệnh. Đất trồng không được cải tạo thường xuyên, bón quá nhiều phân vô cơ và không được che phủ khiến pH đất thấp, nấm bệnh càng có môi trường để phát triển.

- Biện pháp phòng trị: đối với giá thể nuôi cây giống, trước khi sử dụng nên ủ với nấm Trichoderma sp. với liều lượng 1kg nấm ủ với 500 kg trong thời gian khoảng 30 ngày, trong thời gian ủ nên đảo đống ủ khoảng 10 ngày một lần để giúp nấm Trichoderma sp. phát triển đều trong giá thể. Thường xuyên thăm vườn để phát hiện bệnh sớm, vệ sinh tạo độ thông thoáng cho vườn. Chăm sóc cây tốt, bón phân cân đối, đầy đủ dinh dưỡng để cây có sức đề kháng cao chống chịu tốt với bệnh. Bổ sung thêm nấm đối kháng, humic, amino acid vào đất để cải tạo đất. Giúp phòng trừ nấm bệnh từ đất gây hại lên cây giống.
6.7. Bệnh đốm lá: (Nấm Cerocospora purpurea)
- Gây hại: mầm bệnh chủ yếu bắt nguồn từ những lá đã bị nhiễm bệnh trước đó, trong điều kiện thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều, bào tử sẽ hình thành. Nấm bệnh lây lan theo nguồn nước mưa, gió và nước tưới hoặc theo côn trùng, bệnh có thể lây lan ra nhiều nơi. Sau khi xâm nhập, mầm bệnh sẽ ủ xấp xỉ khoảng 3 tháng, trước khi triệu chứng hình thành.

- Biện pháp phòng trị: khi phát hiện cây bị nhiễm bệnh, tiến hành cắt tỉa những cành lá bị nhiễm mang ra khỏi vườn tiêu hủy để tránh lây lan. Sau đó, dùng các loại thuốc trừ nấm gốc đồng như COC 85, Champion 77WP… liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì phun đều trên lá và phun lặp lại sau 5 ngày.
6.8. Bệnh thán thư trên cây bơ: (Nấm Colletrichum gloeosporioides)

- Gây hại: bệnh phát triển ở điều kiện môi trường có độ ẩm không khí cao, mưa nhiều, nhất là sự lưu thông không khí trong vườn bị hạn chế. Cây trồng không được chăm sóc tốt, đề kháng yếu sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn.
- Biện pháp phòng trị: khi cây trồng đã nhiễm bệnh, tiến hành cắt bỏ những cành bị nặng mang đi tiêu hủy để tránh lây lan. Dùng thuốc hoá học Agribate, Antracol, Score… pha theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì để phun xịt.
II. GHI NHÃN CÂY GIỐNG
Nhãn cây giống ghi theo hướng dẫn tại Điều 10 của Nghị định số 94/2019/NĐ-CP, ngày 13 tháng 12 năm 2019 Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Ví dụ như:
1. Tên giống cây trồng: giống Bơ…
2. Hướng dẫn bảo quản và sử dụng: có tài liệu kèm theo.
3. Ngày sản xuất, hạn sử dụng: (ngày sản xuất cây ghép là ngày ghép; ngày sản xuất cành giống, hom giống là ngày cắt cành giống, hom giống, hạn sử dụng 01 năm).
4. Tên và địa chỉ của tổ chức sản xuất: (ghi rõ ràng theo giấy phép đăng ký kinh doanh).
5. Tiêu chuẩn cây giống Bơ: TCCS.
Ghi chú: nhãn giống phải có mã quét QR, trong mã này cần đưa tài liệu hướng dẫn vào và bảng công bố tiêu chuẩn cơ sở của giống để người sử dụng quét mã QR xem.