1. GIỚI THIỆU VỀ CÂY HOA GIẤY
Hoa giấy là một loài thực vật thuộc chi thực vật có hoa, có tên khoa học là Bougainvillea. Hoa giấy có xuất xứ từ Nam Mỹ. Hiện nay đã phân bố ra nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam.
1.1 Đặc điểm sinh trưởng
Hoa giấy là loài cây ưa sáng, có dạng thân gỗ leo và có gai. Chiều cao thân cây có thể đạt đến 12m.
Lá đơn, mọc cách có dạng hình trứng, lá có màu xanh hoặc cẩm thạch tùy theo loại cây.
Hoa của cây hoa giấy rất đa dạng. Có thể là hoa đơn hoặc hoa kép, với đủ các loại màu sắc khác nhau như: Tím, đỏ, vàng, cam, trắng, hồng,….
Với thời gian nở hoa quanh năm, lâu tàn nên hoa giấy luôn chiếm được niềm ưu ái của những người chơi hoa – kiểng.
1.2 Thời vụ trồng
Nhìn chung, vì là một loài cây dễ sống nên có thể trồng hoa giấy vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Đảm bảo thời tiết không quá khô hanh hay đất ẩm ướt. Tuy nhiên, nên tiến hành trồng hay sang chậu hoa giấy vào mùa xuân hoặc mùa thu. Khi tiết trời dịu nhẹ và cây không bị thoát hơi nước quá nhiều.
2. Chuẩn bị vật tư
2.1 Đất trồng
Cũng như những loài cây khác, để trồng hoa giấy thì đất trồng là một nhân tố không thể thiếu. Cây hoa giấy không đòi hỏi quá cao về đất trồng, cây có thể sống kể cả trên giá thể là đất sỏi đá hay cát. Tuy nhiên, để gốc hoa giấy phát triển tốt nên lựa chọn loại đất sạch, có thành phần dinh dưỡng phù hợp và thoát nước tốt.
Nhìn chung, có thể trộn đất thịt, phân hữu cơ và trấu hoặc xơ dừa theo tỉ lệ 3:1:1 để làm giá thể trồng cây. Cũng có thể sử dụng loại đất đã được phối trộn sẵn như: Đất sạch hữu cơ trồng hoa – kiểng.
2.2 Vị trí trồng
Hoa giấy là một loại cây ưa sáng vì thế nên trồng hoa giấy ở những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, lúc mới trồng hay lúc vừa mới sang chậu nên đưa cây vào chỗ râm để cây hạn chế thoát hơi nước và không bị héo. Sau khi cây đã sinh trưởng ổn định thì có thể đưa cây ra lại ngoài ánh nắng. Không nên trồng hoa giấy ở vị trí thoát nước kém, dễ ngập nước. Chính điều này sẽ khiến cây phát triển chậm hoặc thậm chí là thối rễ và chết.
2.3 Chuẩn bị chậu
Chọn chậu chính là một bước quan trọng trong quy trình trồng hoa giấy, là một công việc buộc người trồng phải có khả năng đánh giá tốt theo thị trường hàng năm.
Thông thường có thể chọn chậu nhựa, sứ, hay xi măng đều được. Chậu có chiều cao ít nhất 20cm và chiều rộng có thể dựa vào kích thước thân và tán cây sao cho chậu cây nhìn cân đối.
Về màu sắc chậu, nên chọn chậu có màu sắc không quá sặc sỡ và tương phản với màu hoa. Như thế những bông hoa có thể trở nên nổi bật hơn.
3/ Các loại hoa giấy phổ biến hiện nay
Ở nước ta hiện nay đã du nhập nhiều giống hoa giấy với màu sắc và đặc điểm khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là 3 giống hoa giấy sau:
– Hoa giấy Mỹ: Nổi bật với đặc tính có hoa màu đậm và lâu rụng, đặc biệt là không rụng vào mùa mưa. Loại hoa giấy này là lựa chọn của nhiều người cho vị trí cây cảnh ở ban công hay tầng thượng.
– Hoa giấy Thái: Là loại hoa giấy tương đối thông dụng, với nhiều màu sắc, thân cỗ thụ, phát triển nhanh là loại cây được người chơi bonsai ưa thích.
– Hoa giấy Cẩm thạch: Là một loại cây nổi bật với màu sắc lá xanh ngọc với viền vàng kem được rất nhiều người tìm kiếm và sưu tầm. Tuy nhiên đây cũng là loài cây tương đối khó để chăm sóc.
Ngoài ra, thông dụng nhất hiện nay là loài Bông giấy được ghép từ nhiều giống khác nhau và hoa giấy ngũ sắc. Nhiều người chọn loại giống này bởi vì cho nhiều sắc hoa sặc sỡ và kích thích thị giác của người nhìn.

Hình 1: Cành giâm dài 20-25cm
* Lựa chọn cành giâm:
- Hoa giấy rất dễ nhân giống vô tính bằng phương pháp giâm cành. Trừ các phần ngọn cây, ngọn cành non hơn màu bánh tẻ, còn lại các đoạn thân khác trên cây đều có thể giâm cho ra rễ. Tuy nhiên, để giâm giống đạt tỷ lệ sống cao, cần chọn những đoạn cành ≥3 năm tuổi, dài 20-25 cm, đường kính 1-2 cm, có từ 3-4 đốt gai (mắt ngủ). Kết hợp thêm thuốc kích ra rễ, tỷ lệ các cành sống sau giâm sẽ đạt trên 85%.

Hình 2: Giâm cành thành công.
Lưu ý: Các vết cắt phân cành giâm phải thật phẳng, mịn, không bầm giập. Nên dùng dao sắc gọt quanh gốc cành, loại bỏ bớt một phần nhỏ vỏ bì bị giập xước, giúp tăng tỷ lệ ra rễ. Các cành giống sau cắt cần được xếp gốc, ngọn cùng chiều, nhằm tránh nhầm lẫn khi giâm cành. Với cành giống có đường kính ≥3cm phải cắt vát 2 bên gốc cành tạo ra một hình nêm dài 3-4 cm, để tăng khả năng thấm thuốc kích rễ, tăng tỷ lệ sống. Các cành hoa giấy sau giâm ra rễ nhú mầm đã được chuyển trồng lên chậu nhựa.
- Giá thể giâm cành và kỹ thuật giâm cành: Lấy cát mịn ven sông, mang về phơi 2-3 nắng to cho tiệt trùng và sạch nấm bệnh hoặc có thể dùng mụn dừa, trấu, cát, và đất sạch trộn lại với tỷ lệ 4-1-1-1, để làm giá thể giâm cành-. Sau trải đều thành lớp dày 15-20 ở nơi thoáng mát và thoát nước. Pha loãng thuốc giâm cành theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nhúng từng bó gốc cành giống vào dung dịch thuốc khoảng 1 phút. Nhấc ra, chờ cho bó cành giống se nước mới tiến hành cắm từng gốc đoạn cành vào nền giá thể (đã chuẩn bị trước). Khoảng cách giâm 5 x 5 cm/1 cành. Tưới nước giữ ẩm thường xuyên giá thể và cành giống. Sau giâm 20-30 ngày, cây nhú rễ, bật mầm thì chuyển trồng lên chậu.
4. Cách trồng hoa giấy bằng giâm cành
- Thời điểm tốt nhất để có thể giâm cành là vào mùa xuân khi thời tiết dịu nhẹ. Có thể thực hiện cách trồng hoa giấy bằng cành giâm theo các bước sau:
Bước 1: Ngâm cành hom đã chuẩn bị ở trên vào dung dịch kích rễ trong 5-10 phút.
Bước 2: Cắm cành hom vào giá thể, độ sâu khoảng từ 7-10 cm và vun đất lại.
Lưu ý: Giá thể có thể là cát, đất hoặc xơ dừa; phải cắm gốc hom xuống đất, không được làm ngược lại.
Bước 3: Cắm cọc cố định gốc hom sao cho không bị lung lay.
Bước 4: Tưới nước và giữ hom ở nơi râm mát.
Sau 2 – 4 tuần hom sẽ bắt đầu ra rễ và có thể trồng vào chậu.
- Chọn chậu trồng và giá thể trồng: Nên chọn loại chậu nhựa giấy chuyên dùng màu đen để dễ xếp xe vận chuyển đi tiêu thụ xa. Kích thước chậu, 30 x 35cm, có lỗ thoát nước đáy. Giá thể trồng theo tỷ lệ khối lượng gồm, 70% đất ải + 15% trấu + 13% phân hữu cơ + 2% vôi bột.

Hình 3: Đặt chậu hoa giấy trên bạt nông nghiệp
Trộn đều giá thể và ủ kín 3-4 tháng mới đem đóng chậu trồng cây giống. Chú ý, bứng nhẹ cành giống, bới đất trồng sâu khoảng 4-5 cm vào giữa chậu, rồi nén chặt. Sau đó đặt từng chậu cach nhau 60 x 60 cm trên nền đã trải bạt nông nghiệp (Hình 3), giúp thoát nước nhanh, tránh úng ngập cục bộ, tránh phân bón thấm xuống đất gây ô nhiễm các mạch nước ngầm. Hoa giấy là cây ưa nắng nhưng không chịu được độ ẩm quá cao. Chỉ tưới nước khi thấy giá thể trong chậu chuyển màu khô.
4. Ánh sáng

Hình 4: Cây hoa giấy là loài cây ưa nắng.
Cây hoa giấy là loài cây ưa nắng và phát triển tốt nhất khi trồng ở vị trí đầy đủ ánh nắng mặt trời. Cần đảm bảo cây tắm nắng ít nhất 6 giờ mỗi ngày để phát triển tốt nhất.
5.1. Tưới nước
Giai đoạn 1: Cây vừa mới trồng vào chậu
Ở giai đoạn này, hệ rễ của cây vẫn còn yếu, nên hạn chế tưới đẫm cho cây, tránh cho cây bị úng và thối rễ. Nên tưới 2 lần/ngày vào buổi sớm và chiều muộn với lượng nước tưới vừa đủ.
Giai đoạn 2: Cây đang trong giai đoạn sinh trưởng
Ở giai đoạn này, mọi cơ quan của cây hoa giấy đã ổn định, nên tưới nhiều nước hơn để cây có thể sinh trưởng mạnh, ra nhiều chồi và lá.
Giai đoạn 3: Cây chuẩn bị ra hoa
Ở giai đoạn này, cây chuyển từ sinh trưởng sang phát triển bằng cách giảm lượng nước tưới xuống. Có thể tưới còn 50% nước trong 1 tuần, sau đó ngừng tưới. Khi thấy lá bắt đầu có dấu hiệu héo và chồi hoa mọc lên thì có thể tăng dần lượng nước tưới 50% và sau đó là 100% sau 7 ngày.
5.2. Bón phân
Vì cây hoa giấy được trồng trong chậu, nên buộc phải bổ sung dinh dưỡng ngay cho cây sau mỗi đợt hoa. Thực tế, hoàn toàn có thể bón phân hữu cơ hoặc phân hóa học. Tuy nhiên hãy sử dụng phân hữu cơ sạch như: phân vi sinh, phân chuồng ủ hoai,…
Phân hữu cơ không chỉ tốt cho cây và đất mà nó còn không ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trong đất, đặc biệt là nó tốt cho môi trường.
Liều lượng và công thức bón phân thay đổi theo từng giai đoạn và mục đích sử dụng cây.
Để cân đối dinh dưỡng cho cây hoa giấy, cần phải bón đạm và kali cân đối ở các giai đoạn. Đặc biệt là giai đoạn lá, không nên bón toàn đạm, nên bổ sung thêm kali (N:K tỉ lệ 2:1 hoặc 3:1). Bổ sung kali giúp cây có thể chống chịu khi gặp mưa đêm, mưa dầm, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị làm hoa. Có thể bón phân cho cây hoa giấy theo các thời kỳ sinh trưởng của cây hoa giấy như sau:
* Phân bón ở các thời kỳ sinh trưởng, phát triển
Đối với cây nguyên liệu được trồng ở chậu hoặc đất nền: tưới phân ure, NPK 30-10-10. Tùy vào tình trạng của từng cây: bón 10-20 gram/cây/lần, 2 tuần/lần. Phương pháp bón: Bón trực tiếp vào xung quanh tán cây hoặc hòa vào nước tưới.
* Phân bón ở giai đoạn xử lý và tập trung nuôi hoa
- Bắt đầu sau khi ghép:
Lần 1: Thúc cây ra lá bón NPK 30-10-10 hoặc 10 kg NPK 20-20-15 + 1 kg ure (bón 10-20 gram/chậu)
Lần 2: Cách lần 1 khoảng 10-14 ngày.
Lần 3: NPK 20-20-15 + super lân + kali (10-20 gram/chậu)
Lần 4: Bắt đầu sau khi lãi lá 7-12 ngày. Bón NPK 20-20-15 hoặc NPK 17-17-17 (10-20 gram/chậu) kết hợp phun các loại phân bón lá (vi lượng + lân, kali cao) nhằm giúp cây ra nụ, thúc nụ và nuôi bông đẹp. Liều lượng phân bón lá theo hướng dẫn.
Các lần sau đó tùy vào điều kiện thực tế quyết định số lần bón phân, dao động 7-10 ngày/lần. Chủ yếu bón các loại phân có hàm lượng kali cao. Phương pháp bón: rãi đều xung quanh chậu cây theo liều lượng đã định sẵn.
Một số loại phân bón lá có thể dùng cho cây hoa giấy để bổ sung dinh dưỡng nuôi cây như: Atonik, siêu ra đọt, siêu bật chồi, các loại phân bón nuôi hoa. Tùy vào tình trạng của cây mà quyết định số lần sử dụng và loại phân bón lá bổ cho cây hoa giấy. Tuy nhiên phải theo liều lượng khuyến cáo. Bên cạnh các loại phân bón lá dưỡng rễ, siêu ra đọt thì cần phun KNO3 (30 gram/8 lít) hoặc những loại phân bón lá có thành phần KNO3 ở những thời điểm giao mùa, những thời đểm bất lợi như có sương hoặc mưa đêm, mưa kéo dài để hạn chế việc rụng lá ngoài ý muốn.
5.3. Cắt tỉa hoa giấy
Khi mầm cây vươn dài hơn 20 cm, tiến bấm ngọn tạo tán. Để lại các cành trên cây dài 20 cm và 3 lá non. Việc bấm ngọn cành cần được tiến hành thường xuyên, để cây sớm đạt được bộ tán xum xuê, tăng giá trị thu hoạch.
Công việc cắt tỉa hoa giấy không chỉ giúp tạo tán hay dáng đẹp cho cây mà còn giúp trẻ hóa những cây già cỗi và kích cây ra hoa.
Vậy nên cắt tỉa cho hoa giấy thường xuyên, tỉa những cành dài để chúng ra chồi phụ, ngắt bớt những lá già để cây phân hóa chồi hoa.
Cây hoa giấy thích hợp với việc cắt tỉa thường xuyên. Người ta thường cắt tỉa các chồi bên của cành cấp 2, cấp 3 trở đi để cho cây mọc lá mới hoặc mọc hoa. Việc cắt tỉa cành nhằm giúp tạo hình, tạo tán cho cây (hình cây thông hoặc hình mâm xôi) để tăng giá trị của cây. Ngoài ra, cắt tỉa cành giúp cho bộ tán cây thông thoáng, hạn chế được sâu, bệnh phát sinh. Tuy nhiên, cắt tỉa nhiều lần cũng ảnh hưởng đến sự ra hoa của cây bông giấy, thông thường mỗi năm cắt tỉa khoảng 2 lần.

Hình 5: Cây hoa giấy ngũ sắc
Lưu ý: Dụng cụ cắt phải sạch và tốt hơn hết nên dùng keo liền sẹo để bôi vào những vết thương lớn do việc cắt tỉa tạo ra cho cây để tránh bị nấm mốc xâm nhập.
5.4. Ghép hoa giấy ngũ sắc
* Chuẩn bị dụng cụ ghép
– Chuẩn bị gốc ghép: Muốn có cây làm gốc ghép các bạn sưu tầm một cây bông giấy có gốc tương đối lớn một chút (để chúng có đủ sức gánh trên mình nhiều cành ghép của những giống khác), nếu gốc cây ấy lại có vẻ xù xì, dáng cổ thụ thì lại càng quý.
Sau khi có cây làm gốc ghép, dùng cưa cắt bỏ phần ngọn của cây này, chỉ để lại phần gốc dài khoảng trên dưới 1 m (tùy theo gốc lớn hay nhỏ và dáng thế định tạo sau này), trồng vào một chậu lớn, bón thêm phân, tưới giữ ẩm khoảng một tháng sau phần gốc này sẽ mọc ra nhiều tược mới xung quanh, tỉa bỏ bớt chỉ để lại một số tược ở vị trí thích hợp. Khoảng 1-2 tháng sau khi tược mới lớn cỡ điếu thuốc lá là có thể ghép được.
– Chuẩn bị giống để ghép: Khi những tược mới trên cây làm gốc ghép đạt được tiêu chuẩn ghép thì sưu tầm những cây bông giấy có màu hoa, màu lá đẹp mà mình ưa thích để làm giống ghép lên gốc ghép đã được chuẩn bị.
– Dụng cụ ghép: Dao ghép sắc bén chuyên dùng ghép cây, băng keo ghép cây.
* Tiến hành ghép hoa giấy ngũ sắc
⦁ Bước 1: Dùng dao sắc bén cắt bỏ phần ngọn của các tược mới ra trên gốc ghép, chỉ để lại phần gốc dài khoảng 10 cm (để dễ hiểu tạm gọi mỗi tược này là một “gốc ghép”).
⦁ Bước 2: Trên cây cần lấy giống chọn cành bánh tẻ hơi non, có độ lớn tương đương hoặc nhỏ hơn một chút so với “gốc ghép”, cắt lấy một đoạn dài 7-10 cm (trên có 4-5 lá, tạm gọi phần này là “cành ghép”), lấy kéo cắt bỏ hết lá trên “cành ghép”.
⦁ Bước 3: Tại vị trí cách gốc của “gốc ghép” 3-4 cm, dùng dao cắt vạt xéo một nhát từ trên xuống dưới (vào sâu 1/3 độ lớn của “gốc ghép”), vết cắt này dài khoảng 2 cm (tạo thành một “miệng ghép”). Tiếp theo cắt vạt xéo hai nhát ở hai phía đối diện ở phần gốc của “cành ghép” tạo thành hình nêm (vết cắt dài khoảng 2 cm).
⦁ Bước 4: Luồn phần hình nêm của “cành ghép” vào “miệng ghép” trên “gốc ghép” rồi dùng băng keo ghép cây tự dính quấn quanh mối ghép, cuối cùng dùng bao nilon bao cành ghép và chỗ ghép để chỗ ghép không bị nước xâm nhập và cành ghép không bị khô mất nước. Che nắng hoặc đưa cây ghép vào chỗ mát.
Sau khi ghép hoa giấy được khoảng 10-15 ngày, khi cành ghép nẩy tược mới thì tháo bỏ bao nilông. Sau ghép vài tháng là cây ra hoa. Có thể ghép nhiều màu khác nhau, sẽ tạo ra một cây hoa giấy ngũ sắc.
5.5. Phòng trừ sâu bệnh
Cây hoa giấy cơ bản ít bị nhiễm sâu bệnh hại. Tuy nhiên trong điều kiện sản xuất thương mại, có thể xuất hiện bệnh thán thư hại lá. Cần giữ cho vườn cây thông thoáng và tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa.
Tuyệt đối không để nền vườn và giá thể chậu cây quá ẩm. Vào các ngày thời tiết âm u, độ ẩm không khí ≥ 80%, có thể phun phòng thán thư bằng một trong các thuốc, Score 250ND, Rocksai Super 525SE, Cure Super 300EC, Help 400SC, Nevo 330EC… Sử dụng thuốc theo hướng dẫn ghi trên bao gói.
* Quản lý sâu bệnh hại
Hoa giấy thường ít bị côn trùng gây hại tấn công. Cần lưu ý các đối tượng gây hại như: Bọ trĩ, nhện hại và sâu ăn đọt, ăn bông. Để quản lý các loại côn trùng gây hại này, cần áp dụng các biện pháp như: quản lý, thu gom các tàn dư thực vật, bố trí các chậu hoa thông thoáng; Dùng bẩy màu vàng đặt từ khi cây con đến lúc trổ hoa để quản lý côn trùng gây hại. Sử dụng dầu khoáng DC tronplus hoặc Nấm xanh Metarhizium anisopliae để phòng ngừa. Có thể bảo tồn hoặc nhân nuôi thiên địch để quản lý côn trùng gây hại. Khi cần thiết có thể luân phiên các loại thuốc hóa học như: Acetamiprid, emamectin benzoate, Abamectin, Imidacloprid, Propargite, Abamecti, Pyridaben, Hexythiazox, Chlorantraniliprole, Thiamethoxam hoặc các loại thuốc trừ sâu sinh học khác với liều lượng khuyến cáo.
Một số loại bệnh thường gặp trên hoa giấy như bệnh đốm lá, bệnh rỉ sắt, phổng lá hoa giấy, rỉ sắt.
+ Bệnh Đốm lá
Triệu chứng: Trên lá xuất hiện các đốm tròn màu đen hoặc trắng: thường xảy ra nhiều vào mùa mưa; Bệnh ít xảy ra tuy nhiên nếu xảy ra sẽ làm cho lá bị rụng sớm, hoa ít và nhỏ. Bệnh nặng có thể làm cây suy tàn và chết.

Hình 6: Bệnh Đốm lá trên hoa giấy
Biện pháp quản lý: Bố trí khoảng cách các chậu hoa hợp lý, tạo thông thoáng cho vườn. Quản lý cỏ, bón phân và tưới tiêu hợp lý cho cây hoa giấy nhằm hạn chế nấm bệnh tấn công. Vệ sinh vườn, thu gom lá bệnh tiêu hủy.
Có thể sử dụng dụng một số loại thuốc BVTV như: Hecxaconazole, Chlorothalonil, liều lượng theo hướng dẫn.

Hình 7: Bệnh rỉ sắt hoa giấy
+ Bệnh rỉ sắt (Nấm gây bệnh là Uromyces appendiculatus): Bệnh thường xuất hiện đầu tiên trên những lá tương đối già. Trên lá, vết bệnh lúc đầu là một điểm nhỏ màu hơi vàng hay màu vàng chanh hơi nổi gờ. Sau đó vết bệnh to dần đường kính 2 mm, biểu bì nứt vỡ để lộ ổ bào tử hạ màu nâu, màu gỉ sắt. Bình thường ổ bào tử hạ lộ rõ ở mặt dưới lá, còn mặt trên lá vết bệnh có màu nâu vàng. Bệnh nặng làm cho lá khô cháy, rụng nụ, hoa.
Biện pháp quản lý: Cắt tỉa, tạo vườn hoa thông thoáng, thu dọn sạch tàn dư những lá bệnh, cây bệnh đem tiêu hủy; Áp dụng các biện pháp quản lý cỏ, bón phân, tưới nước hợp lý, quản lý giá thể tránh để bị ứ đọng nước nhiều trên lá; Có thể sử dụng một số loại thuốc BVTV khi cần thiết như: Propineb, Hecxaconazole, Kasugamycin, các loại thuốc gốc đồng.
+ Phổng lá cây hoa giấy (luộc lá)
Đây là bệnh thường gặp nhất ở cây hoa giấy trong những năm gần đây, xảy ra mạnh ở thời điểm giao mùa, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Người trồng hoa giấy thường gọi là bị luộc lá. Bệnh gây hại nặng lá sẽ bị rụng, ảnh hưởng đến việc ra hoa của cây.

Hình 8: Lá hoa giấy bị bệnh Phổng lá.
Triệu chứng: Các mép lá bị cháy, chạy chỉ đen (mặt trên của lá xuất hiện các đường như sợi chỉ màu đen), vàng lá (lá bị biến màu sắc như bị luộc nước sôi).
Biện pháp quản lý: Áp dụng các biện pháp canh tác như: Bón phân cân đối, tránh bón đạm quá cao, xử lý giá thể và phối trộn các Vi sinh vật chức năng để ngăn ngừa nấm bệnh; Bố trí các chậu hoa trong vườn thông thoáng để hạn chế điều kiện phát sinh bệnh;
Chăm sóc cây khi bị bệnh: Cắt tỉa và tiêu hủy lá bị bệnh, bón vôi kết hợp lân cho cây, sau đó bón phân hữu cơ kết hợp với vi sinh vật chức năng BT1. Trên lá phun các loại thuốc như: Mancozeb, Propineb, Validamycin, gốc đồng.
+ Rụng lá: Đây là bệnh xảy ra phổ biến nhất trên cây hoa giấy trong những năm gần đây.
Nguyên nhân: Do thời tiết bất lợi, sức chống chịu của cây kém, mưa kéo dài, hoặc mưa đêm sẽ gây rụng lá; pH giá thể chưa đạt yêu cầu, các nấm bệnh tấn công làm cho cây yếu, lá rụng hàng loạt. Rụng lá cũng do hậu quả của bệnh phổng lá gây ra.
Triệu chứng và thời điểm gây bệnh: Các lá bị cuốn lại và rụng trong 1 thời gian nhanh, thường xảy ra sau khi mưa kéo dài hoặc sương nhiều, thời tiết mát mẻ, độ ẩm cao. Rụng lá nhiều làm cho bộ lá của cây suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng ra hoa của cây.
Biện pháp quản lý: Áp dụng các biện pháp canh tác thích hợp cho cây hoa giấy. Có thể sử dụng các loại thuốc BVTV: Validamycin, Propineb, Trifloxystrobin, Tebuconazole Mancozeb. Phun luân phiên và định kỳ 7-10 ngày/lần vào những lúc thời tiết thay đổi bất thường, mưa nhiều.
Với những kỹ thuật lưu ý trên, khi được áp dụng, cây hoa giấy giảm được tỷ lệ bệnh hại và mức độ rụng lá cũng được hạn chế, giúp nâng cao chất lượng và giá trị của cây hoa giấy. Cụ thể, tỷ lệ bệnh không quá 5% và tỷ lệ cây có hoa đạt chất lượng trên 70% và lợi nhuận tăng thêm 2.556.000 đồng/100 chậu.
5.6. Sang chậu
Thông thường hoa giấy trồng trong chậu từ 1 – 2 năm thì nên sang chậu cho cây:
– Trường hợp cây phát triển nhanh và đạt đến sức chịu đựng của chậu, hãy đổi chậu lớn hơn cho cây.
– Trường hợp cây chậm lớn, hãy cắt rễ và thay đất mới cho cây để trẻ hóa cho bộ rễ của cây.
6. CHĂM SÓC BÔNG GIẤY RA HOA THEO Ý MUỐN
- Sau mỗi đợt hoa giấy cho ra hoa nên tiến hành cắt tỉa thu gọn tán, đồng thời bón bố sung phân hữu cơ đã hoai mục như: Phân bò, phân trùn quế, phân dơi, phân Dynamic…
- Giai đoạn sinh trưởng (khi cây ra tán lá mới): Tiến hành bón phân vô cơ NPK 20-20-20 cho cây hàng tuần để cây phát triển và hoàn thiện bộ lá, hoặc phun thêm phân bón lá.
- Khi cây sinh trưởng, đâm chồi ra lá đạt thời gian từ 2 – 3 tháng, lúc này cây đã đủ sức cho một đợt hoa mới. Thời điểm này cần tiền hành bổ sung các loại phân bón có hàm lượng Kali và lân cao như NPK 10-30-20 để kích thích hoa phát triển và tưới nước đầy đủ để cây hấp thu phân tốt nhất, thời gian bón từ 10 – 15 ngày.
- Sau đó chuyển qua giai đoạn xử lý: Bắt đầu thời gian hạn chế dần nước tưới đi đến cắt không tưới cây hoàn toàn, làm như vậy sẽ giúp cây chuyển sang giai đoạn phân hóa mầm hoa (giai đoạn sinh thực). Đây là giai đoạn quan trọng quyết định cây hoa giấy ra hoa có nhiều và đồng đều hay không.
+ Trường hợp hoa giấy trồng trực tiếp dưới đất thì có thể không tưới nước trong thời gian 3 - 5 ngày do đất có ẩm độ.
+ Trường hợp cây trồng chậu cần phải theo dõi hàng ngày nếu quá khô phải tưới sơ qua duy trì ẩm độ cho cây và không làm cây quá héo có thể làm cây chết; thời gian cắt nước từ 5 - 7 ngày sau đó tưới lại nhưng lượng nước vừa đủ không quá nhiều.
- Quan sát khi thấy cây hoa giấy bắt đầu có lá mới chụm nhỏ lại lá non mới mọc có màu hơi sậm, thân cây xuất hiện chồi nhỏ là cây đã chuyển sang giai đoạn ra nụ ra hoa.
- Để giúp cây ra hoa với màu sắc tươi tắn, lâu tàn thì phun bổ sung Vitamin B1 và phân dưỡng hoa định kỳ 1 lần 1 tuần, đồng thời duy trì tưới nước vừa đủ không để cây thiếu nước sẽ gây rụng chồi hoa, nên tưới cây vào buổi sáng sớm (giai đoạn dưỡng hoa).
- Việc xiết nước để kích thích cho cây ra hoa giấy phải tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của cây, nên thực hiện việc này đối với những cây khỏe mạnh, cây sinh trưởng phát triển bình thường, có bộ lá xanh tốt. Không thực hiện trên cây yếu, cây dưới 5 năm tuổi.
7. NHỮNG VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP KHI TRỒNG CÂY HOA GIẤY
- Cây hoa giấy trồng đã lâu nhưng không ra hoa?
Nên đem cây ra chỗ nhiều sáng, nên thử xiết nước và thay đổi chế độ bón phân cho cây.
- Hoa giấy bị rụng hoa đột ngột?
Cây hoa giấy có thể là giống hoa giấy thái, rất dễ rụng hoa mỗi khi mưa. Hoặc cây bị sốc nhiệt do thay đổi thời tiết đột ngột, hãy cắt tỉa bớt lá và tưới đầy đủ cho cây.
- Cây Hoa giấy bị vàng lá và có dấu hiệu héo?
Do cây đã bị úng nước, hãy dời chậu đến vị trí thoát nước và cắt tỉa bớt lá của cây.
- Hoa giấy ra bông nhỏ và màu sắc nhợt nhạt?
Thời vụ giâm cành: Từ xa xưa nhà nông đã có câu, “Tiết tháng 2 trồng cán mai cũng sống”. Kinh nghiệm sản xuất đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, thời vụ cho giâm cành nhân giống cây hoa giấy tốt nhất là vào tháng 2 dương lịch (sau tiết Lập xuân). Các tháng khác trong năm cũng giâm cành nhân giống cây hoa giấy được, nhưng tỷ lệ sống của cành giâm đạt rất thấp./.