Quy trình kỹ thuật nhân giống chôm chôm

     Chôm chôm là một loại cây ăn quả có tuổi thọ rất cao được nhiều nhà vườn quan tâm vì nó dễ trồng, năng suất cao, ổn định, dễ tiêu thụ … những năm gần đây thị trường chôm chôm thường được mở rộng, đặc biệt là thị trường Mỹ. Ngoài giống chôm chôm Java, còn hai giống ngon là chôm chôm đường, chôm chôm Tiến Cường và chôm chôm DONA giá bán của hai giống này gấp 3-4 lần so với giống chôm chôm thường (giống Java) ở thị trường nội địa. 
     I. Những qui định chung
     - Có địa điểm sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đáp ứng tại Điều 22 và 23 của Luật Trồng trọt.
     - Có giấy cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được cơ quan chức năng công nhận.
     - Có công bố chất lượng cây giống khi xuất vườn đúng quy định và đã được cơ quan chức năng ra thông báo tiếp nhận hợp quy.
     - Có ghi nhãn hàng hoá đúng quy định.
     II. Kỹ thuật nhân giống
 

Hình 1: Hạt Chôm chôm

     1. Chọn giống
     Trước tiên chúng ta phải chọn giống từ những cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng đã được cơ quan chức năng công nhận, cách nhân giống phổ biến nhất hiện nay là phương pháp ghép bo (ghép mắt) và tháp cành.
 

Hình 2: Hạt chôm chôm nảy mầm

     2. Chuẩn bị gốc ghép
Hạt chọn làm gốc ghép phải được lấy từ cây mẹ khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, Chọn hạt chôm chôm đầy đặn, không bị dị dạng, sâu bệnh. Hạt chôm chôm sau khi tách ra khỏi trái đem gieo càng sớm càng tốt. Sau khi chọn lọc được hạt làm gốc ghép cần xử lý hạt vào dung dịch phòng ngừa nấm bệnh với nồng độ 3‰, trong thời gian từ 5 – 10 phút rồi đem ủ ngay. 
Giá thể ủ hạt gồm hỗn hợp mụn sơ dừa và trấu với tỷ lệ 7:3, giá thể được vun thành luống có bề mặt luống từ 0,8 – 1,2 m, chiều cao luống 30 – 40 cm, chiều dài luống tùy vào số lượng hạt giống cần ươm.

Hình 3: Luống gieo hạt

     Luống được che phủ lưới đen hạn chế 50% ánh sáng, vị trí làm luống ươm cần thoáng gió, thoát nước tốt. Hạt sau khi xử lý thuốc đem rãi một lớp lên trên mặt luống rồi phủ kín hạt bằng một lớp giá thể (mật độ 200 – 3000 hạt/m2). Trong suốt thời gian ươm hạt luôn giữ cho giá thể có độ ẩm từ 80 – 90%. Sau ươm 2 – 3 tuần cây con lên cao khoảng 10 – 15 cm thì mang ra ngoài giâm.
     Chế độ tưới nước: Sau giâm, tiến hành tưới nước cho cây, ngày tưới 1 – 2 lần tùy vào điều kiện thời tiết, nên tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát. Cần làm giàn che bằng lưới đen giảm 50% ánh sáng, giữa 10 – 15 ngày sau giâm tiến hành tháo dần. Khoảng 20 ngày cây phát triển xanh khỏe thì tháo bỏ lưới hoàn toàn.
 

Hình 4: Cây gốc ghép

     Bón phân cho cây gốc ghép: Sau giâm cây bén rễ hồi xanh là tiến hành bón thúc theo định kỳ cứ 15 -20 ngày/lần. Lượng bón tăng dần theo tuổi cây từ 0,5 – 2 kg/1000 cây. Giữa các giai đoạn bón thúc nên kết hợp phun phân bón qua lá cho cây.  Thường xuyên làm sạch cỏ dại bằng phương pháp thủ công hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây con. Thường xuyên cắt tỉa cành, nhánh, chỉ để lại một thân chính để ghép sau này. Sau khi giâm từ 8 – 9 tháng cây gốc ghép đạt tiêu chuẩn chiều cao từ 60 – 70cm, đường kính thân ở vị trí 20 cm cách mặt đất từ 0,5 – 0,7 cm, cây khỏe mạnh, bộ rễ, thân lá xanh tốt, không nhiễm sâu bệnh. Gốc ghép có thể bứng lên về nhà lưới che mát ghép, hoặc ghép tại vườn sau đó bứng lên nuôi dưỡng.

Hình 5: Chuẩn bị mắt ghép

     3. Chuẩn bị mắt ghép
     Mắt ghép được lấy trên cây có nguồn gốc từ cây đầu dòng hay vườn cây đầu dòng được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Chăm sóc vườn cây đầu dòng trước khi khai thác mắt ghép: Tăng cường chế độ phân bón để giúp cây sinh trưởng phát triển tốt tạo mắt ghép khỏe mạnh. Chọn cành khỏe mạnh nằm ở ngoài tán, có tuổi từ 4 – 5 tháng, nách lá có mầm ngủ nổi rõ, cành ghép có đường kính từ 0,5 – 0,7 cm. Khoanh vỏ cành trước khi cắt ghép 20 – 30 ngày tùy vào mùa (với mùa mưa thời gian khoanh cành từ 35 – 40 ngày).
     Chọn ngày nắng ráo, cắt cành vào lúc trời mát, tránh nắng gắt. Cành cắt đến đâu cắt lá đến đó, chỉ để lại phần gốc cuống lá. Sau khi cắt, cành ghép cần đem ghép trong ngày. Trường hợp cành ghép thừa phải được bảo quản tốt trong bóng râm, cành được bó lại bằng vải đã thấm nước, tránh gió làm mất nước của cành ghép.

Hình 6: Chôm chôm sau ghép

     4. Kỹ thuật ghép: Tốt nhất nên ghép trong mùa nắng. Dùng dao bén rạch 2 vạch song song trên gốc ghép dài 3cm, rộng 1cm (tùy gốc lớn nhỏ), cách mặt đất 15-20cm sau đó rạch một đường ngang tạo thành hình chữ U xuôi hoặc ngược. Tách nhẹ da miệng gốc tháp lên đặt mắt ghép lọt vào vết ghép (bo da ghép hình chữ nhật có đường kính nhỏ hơn vết ghép một ít và có mầm ngủ ở giữa) nhanh tay đậy lại dùng dây nilon buộc kín vết ghép từ dưới lên theo kiểu lợp nhà không cho nước vào. Thao tác tháp càng nhanh càng tốt, sau 15-20 ngày mở dây gốc ghép, cắt da miệng gốc ghép, thấy bo ghép còn tươi thì cắt ngọn gốc ghép cách vết ghép 2cm. Khi bo ghép phát triển già  cơi đọt thứ nhất thì có thể bứng lên vô bầu nuôi dưỡng, cây giống ra thêm một cơi đọt nữa là đạt tiêu chuẩn xuất vườn.
     5. Nuôi cây giống
     5.1 Chọn bầu nuôi cây giống
     Bầu nuôi cây giống phải có màu đen, bầu phải chắc chắn và nguyên vẹn.  Đường kính và chiều cao tương ứng là 14 - 15 cm và 30-32 cm.  Số lỗ thoát nước từ 20- 30 lỗ/ bầu, đường kính lỗ 0,6-0,8 cm. Giá thể phải đầy bầu ươm.
     5.2 Giá thể nuôi cây giống
     Trong các thành phần của giá thể bầu ươm cây giống, tỷ lệ các thành phần và phân bón có vai trò cực kỳ quan trọng, giúp cho cây sinh trưởng tốt.
     Các loại giá thể như: Đất phù sa để khô hoặc đất mặt, mụn dừa, trấu, tro trấu… đã qua xử lý, khi trộn đều với đất nhỏ sẽ làm tăng thêm độ tơi xốp cho đất, giúp đất không bị nén lại sau khi tưới nước hoặc để lâu ngày. Giá thể phải có khả năng giữ nước tốt sẽ, giúp cây con trồng trong bầu ươm có sức sống mạnh, phát triển nhanh.
     * Đất
     Đất là thành phần không thể thiếu để làm bầu ươm cây, Đất vô bầu cây giống phải chọn đất thịt nhẹ hoặc đất cát không có mầm bệnh, có nhiều chất dinh dưỡng, độ pH từ 6-7 là tốt nhất. Đất làm bầu ươm phải được làm thành các hạt nhỏ tơi xốp, để dễ dàng trộn hỗn hợp các loại phân bón và giá thể khác. Bình thường, để có loại đất nhỏ tơi xốp như thế, chúng ta nên để cho đất khô rồi đập nhỏ, sau đó sàng theo yêu cầu, lọc bỏ sỏi và các tạp chất nguy hiểm. 
     * Mụn dừa
     Mụn dừa là thành phần chủ yếu trong giá thể nuôi cây giống, Mụn dừa còn được nhiều người gọi là xơ dừa, mùn dừa hay mụn xơ dừa. Tuy nhiên khác với xơ dừa, mụn dừa đã được rây lọc chỉ cần phần mụn chứ không còn lẫn sợi xơ dừa.
     Mụn xơ dừa sau khi được tách ra khỏi vỏ dừa chưa thể dùng ngay vì nó có chứa 2 chất ảnh hưởng đến rễ của cây trồng đó là tanin và lignin. Hiện tại mụn dừa thường được bày bán trên thị trường bằng các bao tái sử dụng hoặc bao bì không có nhãn mác, mua về nên xử lý trước khi sử dụng.
     Tiến hành xử lý mụn dừa theo các bước sau:
     * Cho mùn dừa vào nước sạch để ngâm với lượng nước ngập được số mùn dừa, nước càng nhiều thì xả chát càng nhanh và triệt để nhưng tốn nước. nếu không có điều kiện ngâm thì dùng vòi nước sạch pha vôi phun lên đống mụn dừa.
     * Sau khi ngâm được 2- 3 ngày thì xả nước đi và thay nước mới ngâm tiếp 2-3 ngày nữa, sau đó lại tiếp tục xả nước đi
     * Hòa nước vôi với lượng vôi bằng 5% trọng lượng khô của mùn dừa, rồi ngâm khoảng 5 – 7 ngày
     * Sau khi ngâm nước vôi xong thì xả hết nước đó đi và cho nước sạch vào xả từ 1 đến 2 lần.
     * Đem phơi khô và trữ để sử dụng
     5.3 Cách trộn đất làm bầu ươm trồng cây:
     Để có hỗn hợp đất ươm cây tốt, cần trộn đều đất khô đập nhỏ, mụn dừa đã xử lý, trấu, tro trấu theo tỷ lệ  như sau 1:5:3:1. Công đoạn này có thể sử dụng các loại máy trộn nguyên liệu để tiết kiệm thời gian và làm hỗn hợp được trộn đều hơn. Trong khi trộn, người thực hiện cần lưu ý không để nguyên liệu quá ẩm hoặc quá khô, để việc vô bầu thuận lợi.

Hình 7: Chôm chôm sau 45 ngày ghép

     6. Kỹ thuật chăm sóc cây giống chôm chôm sau ghép
     Sau ghép từ 45 – 50 ngày kiểm tra độ kết dính của mắt ghép. Nếu cây kết dính tốt, mầm bật lên thì tiến hành mở băng cho cây ghép. Giai đoạn sau ghép cây rất cần nước, do vậy cần tưới nước mỗi ngày cho cây 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khi mầm ghép bắt đầu có lá xòe rộng chuyển sang màu xanh thì tiến hành bón phân thúc cho cây để kích thích bộ rễ cây phát triển bằng các loại phân NPK như 20-10-10, 18-18-18….  
     7. Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây giống chôm chôm
     Một số đối tượng sâu bệnh gây hại cây chôm chôm giai đoạn gốc ghép, sau ghép như các loại sâu ăn lá, bệnh cháy lá, bệnh thán thư … Cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện sâu bệnh hại kịp thời đưa ra biện pháp xử lý hợp lý. Nếu sâu hại đến ngưỡng có thể sử dụng thuốc hóa học để trị. Bệnh hại có thể dùng một số loại thuốc trị nấm. Khuyến khích áp dụng các biện pháp canh tác để phòng sâu bệnh hại giai đoạn gốc ghép và sau ghép. Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng của cây giống. Một số biện pháp canh tác như tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục giúp cây phát triển tốt đồng thời tạo độ ẩm thích hợp cho cây hạn chế sự phát triển của bệnh. Trong mùa nắng nóng cần cung cấp nước và che mát cho cây sẽ giảm nguy cơ nhiễm bệnh cháy lá trên cây chôm chôm.

Hình 8: Sâu ăn lá

     7.1 Sâu ăn lá
     Sâu ăn lá là đối tượng gây hại phổ biến cho vườn ươm cây giống chôm chôm. Đặc biệt vào mùa mưa, chúng dễ dàng phát sinh và lây lan trên diện rộng. Bướm đẻ trứng trên các đọt non và lá non. Sau đó trứng nở thành sâu non. Sâu non có màu xanh trong với đầu màu đen. Sâu non gây hại bằng cách gặm nhấm lá làm thức ăn. Khi lớn hơn, chúng thường nhả tơ kéo một vài lá non lại với nhau để làm tổ và nằm bên trong cắn phá. Những lá chôm chôm bị phá hoại sẽ bị rách nát hoặc bị ăn gần hết, chỉ còn lại một phần cuống. Lá bị phá hoại sẽ làm giảm khả năng quang hợp của cây, đặc biệt giảm giá trị thương phẩm. Do đó, quá trình sinh trưởng của cây chôm chôm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
     - Biện pháp phòng trừ: Để phòng trừ sâu ăn lá ở chôm chôm, bà con có thể sử dụng một số loại hoạt chất như Emetin, Abamectin...
     7.2  Bệnh cháy lá  (Pestalotia, phomopsis)

Hình 9: bệnh cháy lá trên chôm chôm

     Bệnh xảy ra trên các lá đã trưởng thành, phần đầu chóp lá thường bị cháy khô có màu nâu đến nâu xám, vết bệnh lan nhanh từ chóp lá trở vào. Giữa vùng bệnh và vùng khoẻ trên lá thường có 1 đường viền màu nâu đỏ nổi rõ lên. Ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy những ổ nấm màu đen.
     Bệnh do nhiều loại nấm tấn công, để phòng ngừa bệnh cho cây cần bón phân cân đối, chú trọng phân Kali, hoặc cung cấp thêm phân hữu cơ cho cây. Đặc biệt, cần giữ ẩm cho cây trong điều kiện mùa khô. Có thể phun các loại thuốc gốc đồng để ngừa bệnh, hoặc thuốc trừ nấm hoạt chất Chitosan...
     7.3 Bệnh vàng lá thối rễ
     Do nhiều tác nhân bao gồm Fusarium, Pythium, Phytophthora, tuyến trùng, rệp sáp và nhện hại rễ gây ra.
     Bệnh không xuất hiện ngay mùa mưa, lúc đất bị oi nước, mà thường xuất hiện nghiêm trọng trong đầu mùa nắng. Khi bệnh mới xuất hiện, lá của cây vẫn bình thường nhưng gân lá có màu vàng nhạt, phiến lá ngã màu vàng cam và dễ rụng, khi có gió lá già phía dưới bị rụng trước, sau đó đến lá trên. Bệnh nặng có thể làm chết cả cây, nếu không chữa trị kịp thời. Nhánh cây bị bệnh hướng nào, thì rễ cũng thường bị hư thối ở hướng đó. Bộ rễ bị thối từ rễ nhỏ lan dần vào trong rễ lớn. Rễ bị thối có màu nâu, vỏ rễ tuột ra khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái. Rễ mất khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng nuôi cây từ đó làm cành bị chết khô. Khi bị bệnh nặng, tất cả rễ đều bị thối đen và chết, cuối cùng là chết toàn cây.
     Tuyến trùng, rệp sáp đất và nhện hại rễ là các tác nhân chính gây ra bệnh vàng lá thối rễ. Vì chúng tạo ra các vết thương trên bộ rễ, làm giảm khả năng miễn dịch của bộ rễ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ hợp nấm (Fusarium, Pythium, Phytophthora) xâm nhập và gây hại.
     Biện pháp phòng trừ:
     - Vườn ươm cây giống đất phải cao ráo, thoát nước tốt. Nếu vườn thấp phải làm bờ bao để kiểm soát nước trong mùa mưa lũ.
     - Bón vôi vào đầu mùa mưa để sát khuẩn, ngăn ngừa nấm bệnh và nâng pH đất giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.
     - Xử lý thuốc trừ tuyến trùng, rệp sáp đất và nhện hại rễ quanh vùng rễ như, đặc biệt vào mùa khô bằng các loại thuốc chuyên dùng như Classico 480EC; Thiamethoxam, Oncol.
     III.  Ghi nhãn giống cây trồng 
    Căn cứ theo Nghị định 94/2019, việc ghi nhãn giống cây trồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa và nội dung ghi nhãn như sau:
     1. Tên giống cây trồng: Chôm Chôm ……….. ghi đúng tên theo tên cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng được cấp còn hiệu lực. Cấp giống theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Đặc tính của giống bao gồm: Chỉ tiêu bắt buộc gồm chỉ tiêu nêu trong tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở về giá trị canh tác, giá trị sử dụng; chỉ tiêu chất lượng vật liệu nhân giống theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở phù hợp quy định tại Điều 25 của Luật Trồng trọt. 
     2. Hướng dẫn bảo quản và sử dụng: Có tài liệu kem theo. Ghi rõ điều kiện bảo quản; phạm vi sử dụng của giống về thời vụ, vùng địa lý, tóm tắt quy trình trồng và chăm sóc (khi có yêu cầu đặc biệt) phù hợp với thông tin trong hồ sơ cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng. Thông tin cảnh báo an toàn (nếu có). Định lượng giống cây trồng (khối lượng giống hoặc số lượng cây, bầu, hom giống).
     3.  Ngày sản xuất, hạn sử dụng: Ngày sản xuất cây ghép là ngày ghép; ngày sản xuất cành giống, hom giống là ngày cắt cành giống, hom giống, hạn sử dụng 1 năm.
     4. Tên và địa chỉ của tổ chức sản xuất: Ghi rõ ràng theo giấy phép đăng ký kinh doanh.
     IV. Công bố Tiêu chuẩn ngành cây giống chôm chôm: 
     Theo Quyết định số 106/2001/QĐ-BNN về việc ban hành tiêu chuẩn cây giống cây ăn quả của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tiêu chuẩn 10 TCN 474-2001 cần tham khảo như sau:
     Gốc ghép phải có thân và bộ rễ thẳng, vỏ không bị thương tổn đến phần gổ. Mặt cắt thân gốc ghép lúc xuất vườn nằm ngay phí trên cành ghép, có quét sơn hoặc các chất tương tự, không bị dập, xùi. Đường kính gốc ghép đo dưới vết ghép khoảng 2cm từ 0,8-1,3 cm. Vị trí mắt ghép trên giá thể của bầu ươm từ 15-20cm, vết ghép phải liền và tiếp hợp tốt. Bộ rễ phát triển mạnh, có nhiều rễ tơ. Thân cây thẳng và vững chắc có trên 10 lá kép, các lá ngọn phải trưởng thành có hình dạng và kích thước đặc trưng của giống.
     Chiều cao cây giống từ mặt giá thể đến đỉnh chồi trên 60 cm, đường kính chồi ghép (đo từ vết ghép trở lên 2 cm) từ 0,8 cm trở lên. 
     Bầu ươm có màu đen, chắc chắn và nguyên vẹn đường kích bầu là 14-15 cm và chiều cao bầu là 30-32 cm, giá thể đầy bầu ươm. Số lổ thoát nước 20-30, đường kính lổ 0,6-0,8 cm./.