Quy trình kỹ thuật nhân giống mít

QUY TRÌNH
KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG MÍT

I. Những qui định chung
     - Có địa điểm sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đáp ứng tại Điều 22 và 23 của Luật Trồng trọt.
     - Có giấy cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được cơ quan chức năng công nhận.
     - Có công bố chất lượng cây giống khi xuất vườn đúng quy định và đã được cơ quan chức năng ra thông báo tiếp nhận hợp quy.
     - Có ghi nhãn hàng hoá đúng quy định.

Hình 1: Hạt mít nảy mầm

II. Kỹ thuật nhân giống
 

Hình 2: Gieo mít trên đất liếp

     1. Chuẩn bị gốc ghép: Chọn hạt mít rừng hoặc hạt lấy từ các cây mọc tự nhiên hoang dại là tốt nhất. Chọn những quả to, chín tròn đều, bổ lấy hạt, bóc màng, ngâm trong nước sạch 3 – 4 giờ, lấy ra rửa sạch nhớt gieo vào liếp đã chuẩn bị sẵn (chú ý: bổ quả xử lý hạt gieo ngay, không để dài ngày tỷ lệ nảy mầm giảm). 
     Quản lý cỏ dại mít sau khi gieo hạt bằng rơm rạ, cỏ khô tủ một lớp mỏng trên liếp giao giúp giữ ẩm cho cây, mặt liếp không bị rửa trôi đất, phân bón hữu cơ và hạn chế cỏ dại. Cây còn nhỏ nên làm sạch cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng. 

Hình 3: Gốc ghép

     Quản lý nước tốt vì cây mít là loại cây ăn trái chịu úng kém nên cần có hệ thống thoát nước tốt cho cây vào mùa mưa. Cần tưới nước đầy đủ cho cây sinh trưởng và phát triển. Tỉa cành để gốc thẳng và mau lớn, sau 6-12 tháng kể từ lúc gieo hạt thì ta có thể bứng gốc lên để ghép ( Hình 3). 
     Thường gốc ghép mít nên cắt đọt cao trên 50 cm để gốc đủ nhựa, tỷ lệ sống cao. Sau khi bứng gốc cắt đọt đem về thì vô bầu và tiến hành ghép ngay. Gốc ghép phải là cây có từ 6 tháng cho đến trên 1 năm tuổi, cây ghép phải khỏe mạnh, không gãy ngọn, không sâu bệnh. Lưu ý do mít có nhiều nhựa, khi cắt dễ mất sức, vì thế phải chừa phần gốc dài 50-60 cm. Lúc ghép cũng phải ghép cao để gốc còn nhựa sinh trưởng mạnh.
     2. Chuẩn bị mắt ghép
     Mắt ghép được lấy trên cây có nguồn gốc từ cây đầu dòng hay vườn cây đầu dòng được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Chăm sóc vườn cây đầu dòng trước khi khai thác mắt ghép: Tăng cường chế độ phân bón để giúp cây mẹ sinh trưởng phát triển tốt tạo mắt ghép khỏe mạnh, bón phân NPK cân đối như 20-20-15; 15-15-15 và ngừng bón trước 15 ngày lấy mắt ghép. Chọn cành khỏe mạnh nằm ở ngoài tán, có tuổi từ 4 – 5 tháng, nách lá có mầm ngủ nổi rõ, cành ghép có đường kính từ 0,5 – 0,7 cm. Khoanh vỏ cành trước khi cắt ghép 20 – 30 ngày.
     Chọn ngày nắng ráo, cắt cành vào lúc trời mát, tránh nắng gắt. Cành cắt đến đâu cắt lá đến đó, chỉ để lại phần gốc cuống lá. Sau khi cắt, cành ghép cần đem ghép ngay. Trường hợp cành ghép thừa phải được bảo quản tốt trong bóng râm, cành được bó lại bằng vải đã thấm nước, tránh gió làm mất nước của cành ghép.
     3. Kỹ thuật ghép:

Hình 4: Tiến hành ghép

     Trên gốc ghép dùng dao ghép chuyên dụng, rạch 2 đường song song rộng 1,5 - 2,5cm, dài 2 - 3cm cách mặt bầu 15 - 20cm, cắt đường ngang phía dưới nối 2 đường song song tạo thành cửa sổ hình 2 chữ U đối ngược ứng nhau trên và dưới.
     Trên cành ghép chọn 1 mầm ghép trên cành vừa cắt trên vườn cây đầu dòng, mầm đã nổi u khỏe mạnh, không bầm dập, trầy xước, kích thước nhỏ hơn miệng gốc ghép vừa mở ra một ít. Cắt đoạn cành chứa 1 lá có mầm ngủ, chẻ dọc đoạn cành, vạt xéo 2 đầu đoạn cành cho phù hợp với gốc ghép, đặt áp chặt mắt ghép vào cửa sổ ở gốc ghép, dùng nilon chuyên dụng quấn chặt mắt ghép với gốc ghép từ dưới lên theo kiểu lợp nhà để hạn chế tối đa nước lọt vào nơi ghép. 
 

Hình 5: Đậy chỗ ghép bằng nilon

     Ghép xong dùng túi nilon đậy đầu gốc ghép sao cho trùm kín nơi vừa ghép và dùng dây thun buột lại để giữ ẩm cho mắt ghép.

Hình 6: Mắt ghép phát triển

     Sau ghép 15 - 20 ngày mở dây kiểm tra, nếu mắt ghép còn xanh (tươi) (Hình 6) thì đã thành công chuyển cây vào nhà lưới mát để dưỡng, nếu mắt ghép có màu nâu khô thì mắt ghép đã chết, tiến hành ghép lại.

     4 Nuôi cây giống
     4.1 Chọn bầu nuôi cây giống
     Bầu nuôi cây giống phải có màu đen, bầu phải chắc chắn và nguyên vẹn.  Đường kính và chiều cao tương ứng là 14 - 15 cm và 30-32 cm.  Số lỗ thoát nước từ 20- 30 lỗ/ bầu, đường kính lỗ 0,6-0,8 cm. Giá thể phải đầy bầu ươm.
     4.2 Giá thể nuôi cây giống
     Trong các thành phần của giá thể bầu ươm cây giống, tỷ lệ các thành phần và phân bón có vai trò cực kỳ quan trọng, giúp cho cây sinh trưởng tốt.
     Các loại giá thể như: Đất tốt, mụn dừa, trấu, tro trấu… đã qua xử lý, khi trộn đều với đất nhỏ sẽ làm tăng thêm độ tơi xốp cho đất, giúp đất không bị nén lại khi sau khi tưới nước hoặc để lâu ngày. Giá thể phải có khả năng giữ nước rất hiệu quả, giúp cây con trồng trong bầu ươm có sức sống càng cao.
     * Đất: Đất là thành phần không thể thiếu để làm bầu ươm cây, Đất vô bầu cây giống phải chọn đất thịt nhẹ hoặc đất cát không có mầm bệnh, có nhiều chất dinh dưỡng, độ pH từ 6-7 là tốt nhất. Đất làm bầu ươm phải được làm thành các hạt nhỏ tơi xốp, để dễ dàng trộn hỗn hợp các loại phân bón và giá thể khác. Bình thường, để có loại đất nhỏ tơi xốp như thế, chúng ta nên để cho đất khô rồi đập nhỏ, sau đó sàng theo yêu cầu, lọc bỏ sỏi và các tạp chất nguy hiểm. 
     * Mụn dừa: Mụn dừa là thành phần chủ yếu trong giá thể nuôi cây giống, Mụn dừa còn được nhiều người gọi là xơ dừa, mùn dừa hay mụn xơ dừa. Tuy nhiên khác với xơ dừa, mụn dừa đã được rây lọc chỉ cần phần mụn chứ không còn lẫn sợi xơ dừa.
     Xử lý mụn dừa chính là tách thành phần Tanin và Lignin ra khỏi mụn dừa và giữ lại các thành phần có ích, vì Tanin và Lignin là 2 chất có tác động trực tiếp làm cản trở quá trình phát triển của cây trồng: Làm tắc đường hút không khí, dinh dưỡng của cây trồng, 2 chất này khó phân hủy. Đặc biệt Lignin chỉ hòa tan trong môi trường kiềm sẽ làm cây chậm phát triển, bị còi cọc, nhiễm độc, lâu dần sẽ làm chết cây.
     Tiến hành xử lý theo các bước sau:
     * Cho mùn dừa vào nước sạch để ngâm với lượng nước ngập được số mùn dừa, nước càng nhiều thì xả chát càng nhanh và triệt để nhưng tốn nước. nếu không có điều kiện ngâm thì dùng vòi nước sạch pha vôi phun lên đống mụn dừa.
     * Sau khi ngâm được 2- 3 ngày thì xả nước đi và thay nước mới ngâm tiếp 2-3 ngày nữa, sau đó lại tiếp tục xả nước đi
     * Hòa nước vôi với lượng vôi bằng 5% trọng lượng khô của mùn dừa, rồi ngâm khoảng 5 – 7 ngày
     * Sau khi ngâm nước vôi xong thì xả hết nước đó đi và cho nước sạch vào xả từ 1 đến 2 lần.
     * Đem phơi khô và trữ để sử dụng.
     4.3 Cách trộn đất làm bầu ươm trồng cây:
     Để có hỗn hợp đất ươm cây tốt, cần trộn đều đất khô đập nhỏ, mụn dừa đã xử lý, trấu, tro trấu theo tỷ lệ như sau 1:5:3:1. Công đoạn này có thể sử dụng các loại máy trộn nguyên liệu để tiết kiệm thời gian và làm hỗn hợp được trộn đều hơn. Trong khi trộn, người thực hiện cần lưu ý không để nguyên liệu quá ẩm hoặc quá khô, để việc vọ bầu thuận lợi.
     4.4 Chăm sóc cây giống
     Cây giống được chăm sóc trong nhà lưới che mát từ 40-50 %, tưới nước đầy đủ và bón phân hợp lý bằng các loại phân như DAP; NPK 20-10-10; 15-15-15 ….
     Sau ghép từ 15 – 20 ngày kiểm tra độ kết dính của mắt ghép. Nếu cây kết dính tốt, mầm bật lên thì tiến hành mở băng cho cây ghép chuyển sang sắp xếp vào nhà lưới 50% che mát để nuôi dưỡng. Giai đoạn sau ghép cây rất cần nước, do vậy cần tưới nước mỗi ngày cho cây 1 lần vào sáng sớm. Khi mầm ghép bắt đầu có lá xòe rộng chuyển sang màu xanh thì tiến hành bón phân thúc cho cây để kích thích bộ rễ cây phát triển, liều lượng pha 01 muỗng canh cho thùng 10 lít nước tưới đều lên lá), và lượng phân tăng dần khi cây lớn.
     5. Phòng trừ sâu bệnh
     5.1 Xén tóc nâu đục thân (Batrocera rufomaculata). 
     Con trưởng thành là bọ cánh cứng, màu đen, có sừng dài. Thời gian hoạt động chính của con trưởng thành lúc trời mát, đặc biệt là chiều tối từ 18 - 21 giờ. Ấu trùng có đặc điểm là đầu to, cứng, có răng cứng để đục khoét sâu vào thân. Sâu non hóa nhộng trong một bao nằm bên trong lớp vỏ cây. 
     Triệu chứng và cách gây hại: con trưởng thành đẻ trứng vào những vết thương có sẵn trên cây hoặc dùng hàm dưới cắn tạo vết thương và đẻ trứng vào đó. Sâu non nở ra đục vào phần dưới vỏ để ăn và phát triển, nơi sâu gây hại trên thân cây có lỗ nhỏ và mọt đùn ra bên trong. Đây là đối tượng gây hại nghiêm trọng, tấn công vào mạch gỗ của thân cây làm cây chết nhanh và tạo điều kiện cho các loại nấm cơ hội tấn công gây hại. 
     Biện pháp phòng trừ:
     + Thăm vườn giống thường xuyên để phát hiện sớm, nên theo dõi vườn cây vào đầu giờ sáng và chiều tối, bọ trưởng thành sẽ đậu trên cây để đẻ trứng, tìm bắt và diệt để hạn chế sinh sản. 
     + Thường xuyên vệ sinh vườn giống, tỉa cành tạo tán thông thoáng, thu gom và tiêu hủy những cành khô, cành gãy, tránh để trong vườn vì sẽ thu hút con trưởng thành.
     + Khi phát hiện cây bị gây hại nên loại bỏ, chẻ cây ra để bắt ấu trùng hoặc tiêu hủy để diệt chúng. 
     + Dùng thuốc hóa học có gốc Profenofos để phòng trị.
     5.2. Bệnh thối gốc chảy nhựa  (Phytophthora palmivora).

Hình 8: Bệnh chảy nhựa

     Triệu chứng ban đầu là vùng gốc bị chảy nhựa màu đỏ nâu, khi bóc lớp vỏ ở chỗ bệnh sẽ thấy phần gỗ ở phía dưới có màu hồng nhạt và có những đốm màu hơi tím, viền gợn sóng.  Nếu không phát hiện sớm và trị kịp thời bệnh sẽ lan rộng ra xung quanh, sau vài tháng có thể bao kín hết chu vi gốc, làm cho rễ thối, lá bị vàng và rụng. Khi nhiễm nấm  P. palmivora  thân cây bị thâm đen, chảy nhựa màu nâu làm chết mô, gây nứt vỏ, thối thân và rễ cây bị nhiễm nặng có thể bị chết.
     Biện pháp phòng trị:  
     + Bón vôi (CaO) để sát trùng nền nuôi dưỡng cây giống.
     + Tạo vườn thông thoáng, khô ráo và thoát nước tốt.  
     + Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đặc trị như Ridomil; Aliette…
     Chú ý: đối với cây giống, nên áp dụng biện pháp phòng là chính, nếu để cây bị nhiễm bệnh cho dù đã trị hết nhưng cây vẫn không bán được vì mất giá trị thương phẩm.
     5.3. Bệnh thối nhũn (Rizoctonia solani, Sclerotium, Pythium gây nên)
     Bệnh thường xảy ra khi cây con ở vườn ươm có độ ẩm cao, quá rậm rạp; bệnh lây lan rất nhanh. Trên thân gốc và bề mặt vật liệu trồng cây có nhiều hạch nấm tròn to, nhỏ dầy đặc và lây lan rất nhanh. Bệnh làm teo gốc, thân lá có đoạn tươi xanh và phần non chết gục như bị luộc trong nước nóng. 
     Biện pháp phòng trị: 
     + Bón vôi (CaO) để sát trùng nền để cây giống. 
     + Tạo vườn thông thoáng, khô ráo và thoát nước tốt.
     + Mương lấy nước tưới không nên nuôi lục bình vì dây là cây ký chủ chính của nấm Rizoctonia solani gây bệnh chết cây con.  
     + Xử lý nguyên vật liệu trong vườn ươm, phun nấm đối kháng định kỳ như Trichoderma để phòng các chủng nấm gây bệnh.
     III.  Ghi nhãn  giống cây trồng 
     Căn cứ theo Nghị định 94/2019, việc ghi nhãn giống cây trồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa và nội dung ghi nhãn như sau:
     1. Tên giống cây trồng: Mít ……. ghi đúng tên theo tên cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng được cấp còn hiệu lực. Cấp giống theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Đặc tính của giống bao gồm: Chỉ tiêu bắt buộc gồm chỉ tiêu nêu trong tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở về giá trị canh tác, giá trị sử dụng; chỉ tiêu chất lượng vật liệu nhân giống theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở phù hợp quy định tại Điều 25 của Luật Trồng trọt. 
     2. Hướng dẫn bảo quản và sử dụng: Có tài liệu kèm theo. Ghi rõ điều kiện bảo quản; phạm vi sử dụng của giống về thời vụ, vùng địa lý, tóm tắt quy trình trồng và chăm sóc (khi có yêu cầu đặc biệt) phù hợp với thông tin trong hồ sơ cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng. Thông tin cảnh báo an toàn (nếu có). Định lượng giống cây trồng (khối lượng giống hoặc số lượng cây, bầu, hom giống).
     3.  Ngày sản xuất, hạn sử dụng: Ngày sản xuất cây ghép là ngày ghép; ngày sản xuất cành giống, hom giống là ngày cắt cành giống, hom giống, hạn sử dụng 01 năm.
     4. Tên và địa chỉ của tổ chức sản xuất: Ghi rõ ràng theo giấy phép đăng ký kinh doanh
IV. Tiêu chuẩn cây mít giống
     Gốc ghép phải có thân và bộ rễ thẳng, vỏ không bị thương tổn đến phần gổ. Mặt cắt thân gốc ghép lúc xuất vườn nằm ngay phí trên cành ghép, có quét sơn hoặc các chất tương tự, không bị dập, xùi. Đường kính gốc ghép đo dưới vết ghép khoảng 2 cm từ 1,0-1,5 cm. Vị trí mắt ghép trên giá thể của bầu ươm từ 15-20cm, vết ghép phải liền và tiếp hợp tốt. Bộ rễ phát triển mạnh, có nhiều rễ tơ. Thân cây thẳng và vững chắc có trên 2 tầng lá, các lá ngọn phải trưởng thành có hình dạng và kích thước đặc trưng của giống.
     Chiều cao cây giống từ mặt giá thể đến đỉnh chồi trên 80 cm, đường kính chồi ghép (đo từ vết ghép trở lên 2 cm) từ 0,8 cm trở lên.
     Bầu ươm có màu đen, chắc chắn và nguyên vẹn đường kích bầu là 14-15 cm và chiều cao bầu là 30-32 cm, giá thể đầu bầu ươm. Số lổ thoát nước 20-30, đường kính lổ 0,6-0,8 cm./.