Quy trình sản xuất giống ổi bằng phương pháp tháp cành treo bầu

 

I. KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG

Đối với Ổi hiện có 02 phương pháp nhân giống thông dụng nhất là chiết cành và tháp cành treo bầu. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp nhân giống tháp cành treo bầu là thông dụng nhất được người trồng chấp nhận cao. 

Tháp treo bầu hay còn gọi là tháp cành (chui cành): là dùng gốc ghép chui vào cành của cây cần nhân giống, sau 1 tháng đến 1,5 tháng sẽ cắt cây ghép ra khỏi cây mẹ và được 1 cây con mới với thân và cành chính là cành ghép

  

Hình 1: Hình chiết nhánh làm gốc ghép

1. Chuẩn bị giá thể:

Trong các thành phần của giá thể nuôi cây giống, tỷ lệ các thành phần và phân bón có vai trò cực kỳ quan trọng, giúp cho cây sinh trưởng tốt.

Để có hỗn hợp đất nuôi cây tốt, cần trộn đều đất mặt đập nhỏ, mụn dừa đã xử lý tanin và lignin, trấu, tro trấu theo tỷ lệ như sau 1:5:3:1. Khi trộn đều các hỗn hợp trên sẽ làm tăng thêm độ tơi xốp cho đất, giúp đất không bị nén lại sau khi tưới nước hoặc để lâu ngày. Giá thể có khả năng giữ nước rất hiệu quả, giúp cây giống trồng trong bầu ươm có sức sống càng cao.

Giá thể sau khi trộn sẽ được cho vào các bầu nuôi cây giống màu đen để tiến hành nuôi cành chiết. Đường kính là 11cm và chiều cao 22cm. Giá thể được cho vào 2/3 bầu và làm đầy sau khi cho cành ghép vào.

2. Chuẩn bị gốc ghép:

Giống được chọn lấy cành làm gốc ghép là các giống Ổi sẻ, Ổi rừng hoặc các giống Ổi có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt nhất. 

Chọn cành chiết: chọn cành có đường kính từ 0,5-0,6cm (tương đương với cành ghép, sau đó dùng dao khoanh 2 vòng cách nhau khoảng 1-2cm, tiếp theo tách vỏ đoạn vừa khoanh vỏ ra khỏi cành cây, sau đó dùng dây PE quấn lại vài vòng tại nơi vị trí khoanh để cành không kéo lại nhựa làm liền vết khoanh và để khoảng 1-2 ngày cho khô nhựa như chiết cành thông thường rồi dùng bao PE sáng màu bó bầu lại sau đó cho mụn dừa vào và nén chặt, bó kín lại hạn chế nước lọt vào, chiều dài bầu bó khoảng 5-6cm, rộng 3-4cm (khoảng 1 nắm tay). Trong 20 ngày đầu, thường xuyên kiểm tra xem bầu có bị xoay hay bị côn trùng phá hoại hay không thì phải bó lại bầu.

Muốn cho nhanh ra rễ có thể trộn thêm dung dịch thuốc kích thích ra rễ (hiện có tại các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật hoặc nơi kinh doanh giống cây ăn trái, hoa, cây cảnh) vào vật liệu bó bầu hoặc bôi trực tiếp lên vết cắt trước khi bó bầu.

Giá thể dùng để bó bầu thường là mụn dừa (đã được xử lý tanin và lignin) hay rơm rạ trộn với đất mặt và phân chuồng ủ hoai theo tỷ 1:1:1 sau đó tưới nước với liều lượng vừa đủ ẩm để bó bầu.

Khi thấy rễ đã nhú trắng trên mặt bầu, tiến hành cắt cành chiết khỏi cây mẹ, rồi tiến hành ghép liền lên cành của giống Ổi muốn nhân giống.

Hình 2: Xử lý cành chiết và bọc vết khoanh

Hình 3: Cành Ổi đang chiết chờ ra rễ

3. Chuẩn bị cành ghép:

Chọn vườn Ổi nhân giống: Chọn vườn có giống cần nhân giống là phải chọn vườn Ổi đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp quyết định Công nhận vườn cây đầu dòng còn hiệu lực.

- Chọn cành Ổi để ghép: Chọn cành phải có từ 02 cành bánh tẻ trở lên và có đường kính nơi ghép phải tương đương với gốc ghép.

4. Phương pháp ghép: 

- Trên cành ghép: dùng dao bén mở miệng từ gốc lên ngọn ăn sâu vào đến phần gỗ khoảng 1/3-1/2 đường kính cành, chiều dài của miệng cành ghép từ 2-3cm.

Hình 4: Mở miệng cành ghép

- Trên gốc ghép cắt bỏ phần ngọn cách mặt bầu từ 8-10cm, dùng dao bén vạt phần gốc theo dạng hình cây niêm hai mặt phải thật phẳng; sau đó, tiến hành đưa phần vạt của gốc ghép vào phần miệng đã mở trên cành ghép rồi dùng dây ghép quấn từ dưới gốc lên như kiểu lợp nhà lá và quấn thật chặt để tránh nước lọt vào làm ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công sau khi ghép.

Hình 5: Cắt gốc ghép theo dạng hình cây niêm
Hình 6: Quấn dây sau khi đưa gốc ghép vào miệng cành ghép
Hình 7: Nhánh Ổi sau khi tháp cành treo bầu

5. Cắt cành ghép:

- Thời gian từ khi ghép đến khi cắt cành khoảng 30 ngày, giai đoạn này nếu trời nắng kéo dài nên tưới phần gốc ghép để giữ ẩm cho cây, hạn chế bị thiếu nước gốc sẽ chết; đến ngày thứ 20 sau khi ghép, tiến hành khoanh vỏ phía dưới cành ghép cách nơi ghép khoảng 2cm, kỹ thuật này là nhằm ngăn nhựa luyện do lá quang hợp không được đi xuống vùng rễ cây mẹ để nhựa luyện tập trung ở phần trên cành ghép kích thích cho rễ gốc ghép phát triển mạnh hơn và nơi ghép nhanh liền mí. Đến ngày thứ 30 sau khi ghép tiến hành cắt cành ghép ra khỏi thân cây mẹ.

- Cành ghép sau khi cắt ra khỏi cây mẹ, tiến hành vô bầu có đường kính rộng 11cm và chiều cao 22cm; các cây Ổi sau khi vô bầu được nuôi trong nhà lưới đen giảm ánh sáng khoảng 50%, tưới đủ nước, thời gian nuôi khoảng 10-15 ngày thì tiến hành xuất vườn.

Hình 8: Nhánh vừa cắt khỏi cây mẹ
Hình 9: Nhánh đưa vô bầu nuôi dưỡng
Hình 10: Giống chuẩn bị xuất vườn

6. Phòng trừ sâu bệnh 

6.1. Rầy mềm: (Aphididae)

Hình 11: Thành trùng rầy mềm, rầy nhớt có hai dạng

Dạng không cánh: cơ thể dài từ 1,5-1,9mm và rộng từ 0,6-0,8mm. Toàn thân màu xanh đen hoặc xanh thẫm; một ít cá thể có dạng màu vàng xanh.

Dạng có cánh: cơ thể dài từ 1,2-1,8mm, rộng từ 0,4-0,7mm. Đầu và ngực màu nâu đen, bụng màu vàng nhạt, xanh nhạt, có khi xanh đậm, phiến lưng ngực trước màu đen. Mắt kép to. Ống bụng đen.

- Gây hại:

Ấu trùng và thành trùng tập trung mặt dưới lá, nhất là đọt non, bông, chồi hút nhựa làm cho các phần ấy bị khô héo hoặc để lại những vết thâm đen trên lá.

Hình 12: Rầy mềm trên lá Ổi

- Biện pháp phòng trừ: 

+ Bảo tồn các loài thiên địch của rệp như bọ rùa, kiến vàng, nhện…

+ Không nên bón nhiều phân đạm, tưới đủ ẩm trong mùa khô.

+ Nếu mật độ rệp thấp, nên bắt bỏ bằng tay.

+ Có thể phun thuốc trừ rệp như dầu khoáng SK 99EC, Sairifos 585 EC, Admire 50 EC hoặc thuốc có hoạt chất Pymetrozin liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì.

6.2. Sâu đục thân màu hồng: (Zeuzera coffeara)

Description: http://camnangcaytrong.com/Uploads/UserFiles/images/Zeuzera-coffeae-thanh-trung-sau-duc-than-minh-do.jpg
Hình 13: Thành trùng sâu đục thân màu hồng

- Gây hại: 

Bướm cái đẻ trứng thành ổ ở chồi non hay các chán 3 của cây, mỗi thành trùng có thể đẻ 400-2.000 quả trứng. Sau khi đẻ 14-16 ngày trứng nở thành sâu non. Sâu non rất nhỏ nhưng hoạt động nhanh nhẹn, đục vào cành tăm hay đốt non, ở tuổi 3 sâu đục vào gốc cành, thường phá hại ở cành cấp 1, cấp 2. Sâu non có 6 tuổi, mỗi tuổi 1 lần lột xác, mỗi lần lột xác là một lần di chuyển chỗ ở, do đó sâu có thể phá hại rất nhiều cành, sâu đục cành đùn phân ra ngoài nên rất dễ phát hiện. Sâu non khi đẫy sức thì hóa nhộng trong cây, thời gian hóa nhộng 30-50 ngày. Những cành bị sâu đục lá héo rũ, khô đi, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây thậm chí làm gãy ngang gây chết cây. Khi trưởng thành, chúng bay ra ngoài tìm những nơi cành lá xanh tốt sum suê để đẻ trứng.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Nên nuôi cây giống Ổi trong nhà mát được che bằng lưới đen giảm nắng khoảng 50% sẽ hạn chế phần nào sâu đục cành. 

+ Cắt bỏ những cành khô chết, kết hợp bắt giết sâu.

+ Sử dụng một số hoạt chất sau để phòng trừ: Profenofos hay hỗn hợp (Profenofos+Cypermethrin), liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.

6.3. Rệp sáp: (Pseudococcus spp.)

Description: http://camnangcaytrong.com/Uploads/UserFiles/images/Rep%20sap(1).jpg
Hình 14: Rệp sáp hại cây trồng

Rệp sáp có hình oval (hình bầu dục), thuôn dài. Con cái trưởng thành dài khoảng 2,5-4mm, chiều ngang khoảng 0,7-3mm. Mình có nhiều sợi sáp màu trắng. Nếu gạt lớp bột sáp ra cơ thể có màu vàng nhạt. Rệp cái không có cánh, rệp đực nhỏ hơn có cánh, không có sáp, mắt đen to, râu và chân có nhiều lông ngắn, miệng thoái hóa, không ăn chỉ giữ nhiệm vụ giao phối. 

Trứng hình bầu dục nhỏ màu trắng trong, trứng được đẻ thành bọc, trong bọc các trứng xếp chồng lên nhau, phía ngoài bọc có lớp sáp bông trắng bao phủ. 

Rệp non lúc mới nở có màu xám nhỏ bằng con mạt, sau lần lột xác thứ nhất chuyển sang màu hồng nhạt, chưa có sáp trắng bao phủ, hoạt động nhanh nhẹn. Sau nở khoảng 1 ngày gần đuôi hình thành hai tua áp dài, sau đó các tua khác dần dần hình thành, trên cơ thể bắt đầu có áp trắng bao phủ và từ đó chúng di chuyển chậm chạp và thường tìm các nơi kín đáo để sinh sống.

Rệp sáp sinh sản rất nhanh, có thể sinh sản theo kiểu đơn tính và lưỡng tính. Con đực có thêm giai đoạn tiền nhộng và nhộng. Rệp cái đẻ trứng thành từng ổ, một con cái đẻ khoảng 300-400 trứng, tỷ lệ nở của trứng khá cao khoảng 80% trở lên. Rệp sáp đẻ trứng sớm, sau khi nở khoảng 20-25 ngày (tuổi 3) là rệp sáp bắt đầu đẻ trứng, từ khi bắt đầu đẻ đến lúc ngưng đẻ và chết là khoảng 20-30 ngày. 

Rệp sáp phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, thiệt hại phổ biến trong mùa khô hanh khi cây bị thiếu nước do rệp tập trung phá hại ở phía gốc cây và cuống quả. 

Vào cuối mùa mưa chuyển sang mùa khô, rệp sáp phát triển mạnh. Trong điều kiện có nhiều cỏ rác, lá cây mục tụ ở xung quanh gốc để kiến trú ngụ mang Rệp lây lan. 

- Gây hại:

Rệp cái đẻ trứng ở các kẽ lá non, nách cành non. Đây là bộ phận non, mềm và giàu chất dinh dưỡng nên Rệp dễ dàng phát triển. Rệp tập trung từng đám ở kẽ lá, chồi non, chùm hoa và quả non. Phá hại các cuống của hoa và quả. Mùa khô Rệp di chuyển xuống sống ở gốc cây. Nhựa cây và chất dịch do Rệp tiết ra làm thức ăn cho loài nấm Bornetina corium phát triển, sợi nấm đan thành tổ bao che Rệp. Rệp chích hút rễ và gốc cây làm rễ phát triển kém, cây sinh trưởng yếu, lá vàng có thể bị chết dần.

Hình 15: Rệp sáp gây hại ở chồi non

- Biện pháp phòng trừ: 

+ Thường xuyên dọn vệ sinh sạch trong vườn nuôi dưỡng cây giống. 

+ Dùng máy ơm có áp lực mạnh pha nước xịt vào chỗ có nhiều rệp đeo bám có tác dụng rửa trôi bớt Rệp, đồng thời tạo ẩm độ trên cây làm giảm mật số Rệp.

+ Thường xuyên kiểm tra 10 ngày một lần để phát hiện sự xuất hiện của Rệp sáp ở trên lá, cành, thân, phần thân giáp với mặt bầu và phần rễ trong bầu. Nếu thấy có Rệp dù ở mật số thấp cũng phải diệt trừ ngay vì Rệp sáp sinh sản rất nhanh.

+ Có thể sử dụng một số loại thuốc hoá học sau để phun trừ Rệp như dầu khoáng SK99, Movento… pha theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì.

6.4.Bọ xít muỗi (Helopeltis spp.)

Bọ xít muỗi hại ổi Helopeltis spp. thuộc bộ cánh nửa Hemiptera, họ Miridae, là loài đa thực.

Hình 16: Bọ xít muỗi hại ổi

Bọ xít muỗi giống như con muỗi lớn, cấu tạo miệng kiểu vòi chích hút. Con trưởng thành có màu xanh lá mạ, đầu màu nâu, râu dài (màu nâu), con cái dài 4-5mm, con đực nhỏ hơn. Bọ xít muỗi thường đẻ trứng rải rác hoặc từng cụm 2-4 trứng trên trái non hoặc trên gân lá. Con non có màu vàng đồng nhất, có nhiều lông, đẫy sức chuyển sang màu xanh ánh vàng. Vòng đời 27-45 ngày tùy vào nhiệt độ và môi trường sống.

Bọ xít muỗi hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều tối, buổi trưa trời nắng ít hoạt động ẩn nấp trong tán lá. Hoạt động mạnh sau cơn mưa trời vừa nắng, trời âm u hoạt động cả ngày, thời tiết nóng ẩm mưa nhiều.

- Gây hại: 

Bọ xít muỗi dùng vòi chích hút nhựa chồi non, cành non. Vết chích lúc đầu có màu xám chì xung quanh màu nhạt. Sau đó dần dần vết chích bị thâm đen, bộ phận non bị chích thường héo khô đen.

Hình 17: Bọ xít muỗi gây hại trên lá ổi                                                       

Bọ xít muỗi non gây hại nhiều hơn Bọ xít muỗi trưởng thành. Vì chúng ít di chuyển, tập trung trên từng cây hoặc từng vùng nhỏ nên hiện tượng gây hại không rải đều trong vườn.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Vệ sinh vườn sạch sẽ, tỉa bớt cành nhánh không cần thiết, bảo vệ thiên địch như nhện, chuồn chuồn, kiến và bọ rùa.   

+ Có thể sử dụng biện pháp hun khói vào sáng sớm hay buổi chiều để xua đuổi bọ xít muỗi.

+ Đây là đối tượng rất khó phòng trừ, nên có biện pháp phòng trừ sớm. Ngay từ lúc cây ra chồi, lá non mạnh. Phun thuốc vào sáng sớm lúc bọ xít muỗi tập trung gây hại và phải đảm bảo theo nguyên tắc 04 đúng.

+ Một số loại thuốc trừ bọ xít muỗi như hoạt chất Citrus oil (MAP Green 6S), Alpha-cypermethrin (Alfathrin 5EC, FM-Tox 25EC, Motox 5EC), Permethrin (Peran 50EC, Permecide 50EC). Sử dụng thuốc theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

6.5 Bệnh rỉ sắt (Nấm Puccinia psidii)

Bệnh hại trên lá, cành non và trái. Trên lá bệnh tạo thành những đốm nhỏ màu nâu rỉ sắt ở mặt dưới lá, đôi khi vết bệnh nhiều chi chít và liên kết nhau tạo thành mảng lớn, lá vàng và rụng.

Hình 18: Triệu chứng bệnh rỉ sắt trên lá

- Gây hại: 

Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm, cây chăm sóc kém, nếu không phòng trị kịp thời thì cây giống sẽ không xuất vườn được vì cây quá xấu.

- Biện pháp phòng trị:

Cắt tỉa và tiêu huỷ các lá, cành bị bệnh, tạo điều kiện thông thoáng trong vườn nuôi cây giống.

Phun các thuốc Canazole Super 320 EC, hỗn hợp Đồng và Zineb (Zincopper 50WP), hỗn hợp Zineb và Sulfur, Triadimefon liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.

6.6 Bệnh thán thư (Nấm Glomerella psidii)

- Gây hại: Bệnh hại lá, ngọn, hoa và quả. Trên lá nấm tạo thành các đốm bệnh màu tím ở giữa hoặc ở bìa, chóp lá làm cho lá bị cháy từng mảng. Ngọn cây bị nấm gây hại biến màu nâu thẫm lan dần xuống phía dưới làm ngọn khô quăn, lá rụng, trời ẩm sinh các ổ nấm màu đen.

- Triệu chứng: 

Chết lộc non cũng thường xảy ra. Chồi và lá non có thể bị nấm tấn công, chồi ngọn trở nên hơi tím, sau đó thành nâu đen, khô giòn và dễ gãy. Bệnh thán thư là bệnh phổ biến gây tác hại nặng nề nhất cho cây Ổi.

Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ khoảng 25oC, chết ở 50oC trong 10 phút. Nấm tồn tại trong bộ phận cây bệnh ở dạng bào tử và sợi nấm, năm sau tiếp tục gây bệnh. Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa, làm cây bị khô ngọn.

Hình 19: Triệu chứng bệnh thán thư trên búp và lá Ổi

- Biện pháp phòng trị:

Tỉa cành tạo tán cho cây thông thoáng. Thu dọn, tiêu hủy các tàn dư cây bệnh. 

Khi bệnh phát sinh phun các thuốc với các hoạt chất sau Copper Oxychloride, Metalaxyl.

II. GHI NHÃN CÂY GIỐNG 

Nhãn cây giống ghi theo hướng dẫn tại Điều 10 của Nghị định số 94/2019/NĐ-CP, ngày 13 tháng 12 năm 2019 Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Ví dụ như:

1. Tên giống cây trồng: giống Ổi.

2. Hướng dẫn bảo quản và sử dụng: có tài liệu kèm theo.

3. Ngày sản xuất, hạn sử dụng: (ngày sản xuất cây ghép là ngày ghép; ngày sản xuất cành giống, hom giống là ngày cắt cành giống, hom giống, hạn sử dụng 01 năm).

4. Tên và địa chỉ của tổ chức sản xuất: (ghi rõ ràng theo giấy phép đăng ký kinh doanh).

5. Tiêu chuẩn cây giống Ổi: TCCS.

Ghi chú: nhãn giống phải có mã quét QR, trong mã này cần đưa tài liệu hướng dẫn vào và bản công bố tiêu chuẩn cơ sở của giống để người sử dụng quét mã QR xem.