Quy trình sản xuất kiểng lá

I. CHỌN GIỐNG KIỂNG LÁ

Theo cách nghĩ đơn giản nhất thì kiểng lá là những cây có hình và dáng lá riêng biệt độc đáo cùng màu sắc đẹp, rực rỡ. Tùy theo khí hậu mà ở mỗi Quốc gia khác nhau có những loại cây kiểng lá khác nhau. Những cây này là cây thường được trồng trong nhà, văn phòng hoặc trong sân vườn nhằm giúp làm đẹp không gian sống và cải thiện được chất lượng không khí cũng như tâm trạng của người trồng. Thông qua quá trình nhân giống và lai tạo, tạo thành các giống cây kiểng lá các loại rất hấp dẫn. Các dòng kiểng lá thông thường có giá chỉ dao động từ vài chục cho đến vài triệu đồng còn những loại dáng cây đẹp và thuộc loại quý hiếm, một chậu cây đôi khi có thể từ vài chục lên đến hàng trăm triệu đồng. Thông thường khi sản xuất thì chúng ta thường phân loại kiểu này theo màu sắc như: Đỏ, tím, vàng, hồng, trắng, xanh trắng, ngũ sắc, xanh, hai màu, nâu bạc, đen…

1. Cây lá màu đỏ

1.1 Cây Phú quý

Hình 1: Cây Phú quý

Cây Phú quý là một loại cây cảnh dễ trồng và dễ chăm sóc. Lá của cây có hình giống lưỡi mác, trên nền lá có màu đỏ hồng loang lổ rất bắt mắt. Loại cây này là biểu tượng cho những điều tốt lành trong cuộc sống, giống như cái tên "phú quý" của nó.

1.2 Cây Bao thanh thiên (cây cung điện đỏ, cây thuyền trưởng đỏ)

Hình 2: Cây Bao thanh thiên 

Cây bao thanh thiên là loại cây rất đặc biệt bởi lá có màu huyết dụ. Loại cây này tượng trưng cho lòng ngay thẳng, chính trực nên được nhiều người yêu thích chọn làm cây cảnh trang trang trí trong nhà.

1.3 Cây Môn đốm đỏ

Môn đốm đỏ là loại cây thuộc họ Ráy. Tán lá của cây có hình trái tim, phần cuống và gân lá có màu đỏ tía rất bắt mắt. Loại cây này dễ thích nghi với nhiều điều kiện môi trường nên có thể đặt cây ở ngoài trời hay trong phòng đều được.

Hình 3: Cây Môn đốm đỏ

1.4 Cây Thịnh vượng (cây như ý)

Cây Thịnh vượng có phần gân lá màu đỏ nhạt, trên nền lá có các đốm sáng màu vàng nhạt vô cùng nổi bật. Loại cây này khá giống với cây Vạn lộc nhưng phần bẹ lá và cuống lá có màu nhạt hơn. 

Hình 4: Cây Thịnh vượng

2. Cây lá màu tím

2.1 Cây Bướm đêm

Cây Bướm đêm có nguồn gốc từ Brazil, tên tiếng anh là Oxalis. Loại cây này độc đáo bởi lá cây màu tím và có hình dạng giống như con bướm. Chính sự đặc biệt này đã giúp cho cây bướm đêm trở thành một trong những lựa chọn lý tưởng để làm cây cảnh trang trí nhà cửa.

Hình 5: Cây Bướm đêm

2.2 Cây Tía tô

Tía tô là loài cây thuộc họ hoa môi, được dùng khá phổ biến trong bữa ăn của người Việt. Lá Tía tô mọc đối nhau, mặt lá có tím tía, lông nhám. Bởi có màu sắc bắt mắt và dễ trồng, dễ chăm sóc nên loại cây này rất thích hợp để trồng làm cảnh.

Hình 6: Cây Tía tô

2.3 Cây Đuôi công (Cây Đuôi phụng)

Cây thuộc loại cây thân thảo, sống dạng bụi nhỏ, được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên khắp Việt Nam. Điểm độc đáo của loại cây này chính lá cây màu tím, điểm những hoa văn vô cùng đa dạng và độc đáo, làm tăng vẻ đẹp nghệ thuật cho cây.

Hình 7: Cây Đuôi công

2.4 Cây Thài lài tía

Cây Thài lài tía (cây thài lài cảnh, cỏ chân vịt lá đốm, thài lài chậu treo, lan điếu trúc) là loại cây thuộc thuộc họ cỏ chân vịt, có nguồn gốc từ Mexico. Lá cây thài lài tía nhọn phần đầu, mặt lá màu tím rất đặc biệt. Loại cây này giúp thanh lọc bầu không khí và làm cảnh.

Hình 8: Cây Thài lài tía

2.5 Cây Thu hải đường lá lông

Đây là một trong những loại cây cảnh độc lạ bởi màu lá của nó là màu tím, xen kẽ lốm đốm xanh. Loại cây này trồng trong sân vườn hay trong chậu để trang trí đều rất đẹp.

Hình 9: Cây Thu hải đường lá lông

2.6 Cây Mắt nai

Cây Mắt nai (hay cây mắt nhung) là loại cây lá tím có nguồn gốc từ Brazil. Ngoài công dụng làm cây cảnh trang trí, cây mắt nai còn mang đến nguồn năng lượng dồi dào và sức sống mãnh liệt.

Hình 10: Cây Mắt nai

3 Cây lá màu vàng

3.1 Cây Cô tòng đuôi lươn

Cây Cô tòng đuôi lươn (hay vàng anh đuôi lươn) là loại cây thuộc họ thầu dầu, có tên khoa học là Codiaeum variegatum. Loại cây này cao khoảng 30-40cm, có lá màu vàng, thường được trồng trong trường học, công sở, công viên... 

Hình 11: Cây Cô tòng đuôi lươn

3.2 Cây Vàng bạc

Hay còn gọi là cây Cô tòng lá đốm. Sở dĩ có tên gọi này vì lá của nó có từng đốm vàng lấm chấm trên lá. Bởi lá của cây vàng bạc có màu sắc đẹp mắt nên nó thường được dùng để trang trí công viên, đường phố, sân vườn và nhiều nơi khác.

Hình 12: Cây Vàng bạc

3.3 Cây Lá gấm vàng

Cây Lá gấm vàng (tên gọi khác là cây Tía tô cảnh, cây lá gấm, cây cần cảnh) là loại cây cảnh thuộc họ hoa môi, có chiều cao khoảng 30-60cm. Lá cây gấm vàng là một trong những loại lá được sử dụng phổ biến trong các công trình cây xanh đô thị. Loại cây có thể trồng trong chậu và đặt trong sân nhà để làm cảnh.

Hình 13: Cây Lá gấm vàng

4. Cây lá màu hồng

4.1 Cây Hồng phát lộc

Loại cây này tượng trưng cho sự sung túc, giàu sang, phú quý. Với những tán lá màu hồng bắt mắt, trồng cây Hồng phát lộc trong nhà không những làm cảnh rất đẹp mà còn mang lại tài lộc, thịnh vượng cho gia chủ.

Hình 14: Cây Hồng phát lộc 

4.2 Cây Môn cảnh lá hồng Pretty

Cây Môn cảnh lá hồng Pretty có tên khoa học là Caladium Pretty Pink. Loại cây này ưa sáng nên dùng để ở cửa phòng khách, phòng học hay ban công đều rất phù hợp. Đặc biệt, lá cây mỏng, có màu hồng nhạt vô cùng bắt mắt, giúp tăng thêm vẻ hấp dẫn của cây.

Hình 15: Cây Môn cảnh lá hồng Pretty

4.3. Cây Sen đá hồng

Cây có những chiếc lá nhỏ hình trái tim với màu hồng nhẹ nhàng vô cùng bắt mắt. Trồng cây này trong nhà sẽ mang lại nhiều may mắn và tài lộc cho gia đình.

Hình 16: Cây Sen đá hồng

4.4 Cây Sen đá thạch ngọc hồng

Sen đá thạch ngọc hồng là loại cây cảnh có lá mọng nước, các lá sắp xếp theo hình xoắn ốc rất đẹp mắt. Trồng loại cây này ở dưới ánh sáng rực rỡ càng làm tăng thêm vẻ đẹp bóng bẩy của chúng.

Hình 17: Cây Sen đá thạch ngọc hồng

4.5 Cây Lưỡi hổ

Cây Lưỡi hổ hồng có nhiều màu nhưng màu hồng vẫn độc đáo và đẹp mắt nhất. Gọi là cây lưỡi hổ bởi lá của nó giống như cái lưỡi dài màu hồng đậm. Loại cây này vừa dễ trồng, dễ chăm sóc nên rất phù hợp để làm cây cảnh trang trí nhà cửa.

Hình 18: Cây Lưỡi hổ

4.6 Cây Môn Syngonium Pink Neon

Cây Môn Syngonium Pink Neon có tên khoa học là Syngonium podophyllum Neon Robusta, thuộc họ cây môn. Cây cảnh này có những tán lá màu hồng hình trái tim trông rất quyến rũ và lãng mạn. Trồng cây môn Syngonium Pink Neon trong nhà giúp thanh lọc không khí rất tốt.

Hình 19: Cây Môn Syngonium Pink Neon

4.7 Cây Vảy ốc hồng thủy sinh

Cây Vảy ốc hồng thủy sinh có những tán lá hồng xen kẽ xanh vô cùng bắt mắt. Tuy nhiên, để cây có màu hồng đẹp nhất, cần cho cây phơi nắng tối thiểu 3-5 giờ mỗi ngày.

Hình 20: Cây Vảy ốc hồng thủy sinh

5. Cây lá màu trắng

5.1 Cây Môn trắng

Cây có lá màu trắng vô cùng đặc biệt, mang đến vẻ đẹp sang trọng, tinh tế cho ngôi nhà của bạn. Bạn có thể đặt cây ở phòng khách, phòng làm việc phòng tiếp khách... hay tại sân vườn đều được.

Hình 21: Cây Môn trắng

5.2 Cây Ngọc ngân

Cây có lá to và xòe rộng, màu của lá chủ yếu là trắng điểm xuyến thêm màu xanh ở viền. Cây Ngọc ngân là biểu tượng của tình yêu sâu sắc, lâu dài cũng như là một loại cây phong thủy giúp xua đuổi những điều xui xẻo, thu hút tài lộc.

Hình 22: Cây Ngọc Ngân

6. Cây lá màu xanh trắng

6.1 Cây Sao sáng

Tên khoa học là Dieffenbachia hay còn được gọi là cây Valentine. Đúng như cái tên của mình, loài cây này tượng trưng cho sự may mắn và là một món quà vô cùng phù hợp để dành tặng người thân, bạn bè.

Hình 23: Cây Sao sáng

6.2 Cây Ngân hậu

Đây là loại cây thuộc họ Ráy, có nguồn gốc từ đảo Molucca và Philippin. Cây Ngân hậu là biểu tượng của sự cao sang, quyền quý giống hệt như cái tên của nó.

Hình 24: Cây Ngân hậu

6.3 Cây Huy hoàng

Cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới của Châu Á. Ngoài công dụng để làm cảnh, trang trí cho ngồi nhà thì cây Huy hoàng còn giúp thanh lọc không khí và có ý nghĩa là mang đến tiền tài, gia đình thịnh vượng.

Hình 25: Cây Huy hoàng

6. 4 Cây Cẩm thạch

Cây Cẩm thạch có tên khoa học là Alternanthera tenella Alternanthera, thuộc họ rau dền. Đây là một loài cây có khả năng thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn rất tốt, giúp không gian sống của bạn trở nên trong lành, mát mẻ hơn.

Hình 26: Cây Cẩm thạch

7. Cây lá màu ngũ sắc

7.1 Cây Lá gấm ngũ sắc

Đây là một loại cây khá hiếm thấy trên thị trường với phần lá có đủ màu sắc, đẹp và độc đáo. Thế nhưng loài cây này lại rất dễ chăm sóc.

Hình 27: Cây Lá gấm ngũ sắc

7.2 Cây Lá màu ngũ sắc

Tương tự với cây lá gấm ngũ sắc, loài cây này cũng khá là hiếm thấy trên thị trường. Chúng thường được dùng để làm cây cảnh trang trí công viên, công trình hoặc sân vườn.

Hình 28: Cây Lá màu ngũ sắc

8. Cây lá màu xanh

8.1 Cây Kim tiền

Loài cây này có nhiều kích cỡ khác nhau, thường có những chiếc lá mọc xen kẽ trên thân và cành như những đồng tiền thời cổ xưa, tượng trưng cho tiền bạc, của cải. 

Hình 29: Cây Kim tiền

8.2 Cây Kim ngân

Cây có thân khá to, được uốn thành các thể khác nhau. Người ta thường trồng cây Kim ngân trong nhà để thu hút may mắn, tài lộc cho gia chủ đồng thời giúp cân bằng nguyên khí, năng lượng.

Hình 30: Cây Kim ngân

8.3 Cây Dương xỉ tiên nữ

Cây Dương xỉ tiên nữ còn có tên gọi khác là Dương xỉ Maidenhair, là một loài cây thích hợp trồng ở những nơi có khí hậu mát mẻ hoặc trong nhà. Cây có ý nghĩa là gia đình đông con, gắn bó, hòa thuận.
 

Hình 31: Cây Dương xỉ tiên nữ

8.4 Cây Trường sinh

Cây còn có nhiều tên gọi khác nhau như cây lá bông, đả bất tử, diệp sinh căn, cây bỏng, thiên cảnh, thiên cảnh tạp giao… Trồng cây Trường sinh trong nhà sẽ giúp gia đình hòa thuận, ấm êm, khỏe mạnh và thu hút nhiều may mắn.

Hình 32: Cây Trường sinh

8.5 Cây Ngũ gia bì

Trồng trong nhà, loài cây này còn có công dụng thanh lọc không khí, giúp bạn thư giãn và tăng khả năng tập trung.

Hình 33: Cây Ngũ gia bì

8.6 Cây Trầu bà

Là một trong những loài cây cảnh được trồng làm cảnh nhiều nhất. Chúng được yêu thích là do có màu xanh mát rượi, đem lại sinh khí cho không gian sống đồng thời có ý nghĩa phong thủy là sự bình an, may mắn.

Hình 34: Cây Trầu bà

8.7 Cây Ngọc Bích

Còn được gọi là cây phỉ thúy, cây sen đá Ngọc bích, tên khoa học là Crassula ovata. Với vẻ ngoài vô cùng thanh lịch, cây Ngọc Bích sẽ giúp ngôi nhà của bạn trở nên sang trọng hơn đồng thời thu hút tài lộc và sự may mắn.

Hình 35: Cây Ngọc Bích

8.8 Cây Lan chỉ

Là biểu tượng của sự sống, của sự kiên cường, bất khuất. Ngoài ra trong phong thủy thì cây Lan chỉ còn giúp mang lại sự bình yên, hạnh phúc, may mắn cho gia đình.

Hình 36: Cây Lan chỉ

 8.9 Cây Thanh Tâm

Đúng như cái tên của mình, là cây đại diện cho sự bình yên, thanh bình, xóa tan mọi phiền muộn của cuộc sống và mang đến niềm vui, hạnh phúc.

Hình 37: Cây Thanh Tâm

 8.10 Cây Chuối cảnh

Là một loài cây rất quen thuộc với người Việt Nam chúng ta. Loài cây này có giá trị phong thủy rất cao và thường được trồng để xua đuổi ma quỷ, tiêu trừ tà khí, thu hút tài lộc, phúc đức.

Hình 38: Cây Chuối cảnh

8. 11 Cây Cọ ta

Cây có nguồn gốc từ miền Nam của Trung Quốc và hiện nay được trồng ở rất nhiều nơi. Cây có tác dụng thanh lọc không khí đồng thời mang đến may mắn về sự nghiệp, tài vận, cũng như che chở khỏi nhiều điều xấu xa, tai họa cho gia chủ.

Hình 39: Cây Cọ ta

8.12 Cây Phát tài búp sen

Có nguồn gốc đến từ các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây là một loài cây rất dễ chăm sóc nên được nhiều người yêu thích. Cây thường được dùng để thanh lọc, hút các khí độc trong không khí, mang đến không gian trong lành, thư giãn.

Hình 40: Cây Phát tài búp sen

9. Cây lá hai màu

9.1 Cây Si Thái Cẩm thạch

Nổi bật với 2 màu trắng sữa và xanh ngọc bích, nhìn đẹp mắt, thường dùng để làm đẹp cảnh quan, thanh lọc không khí. Hợp với những ai mệnh Thủy và Mộc.

Hình 41: Cây Si Thái Cẩm thạch

9.2 Cây Lưỡi Hổ

Hay còn gọi là cây lưỡi cọp, cây vĩ hổ là loại cây cảnh có lá hai màu, gồm màu xanh sẫm và viền vàng. Thường dùng để làm cảnh và có ý nghĩa dùng để chiêu tài, hợp với ai mệnh Thổ, Kim.

Hình 42: Cây Lưỡi hổ

9.3 Cây Huyết Dụ

Cây thu hút người nhìn bởi màu đỏ và tím xen kẽ, nó còn được gọi với nhiều cái tên khác như Phát dụ, Long huyết, Phật dụ… thường dùng làm cảnh, có ý nghĩa thu hút điều lành, xua đuổi tà ma, thị phi, hợp với ai mệnh Hỏa, Thổ.

Hình 43: Cây Huyết dụ

9.4 Cây Trầu bà cẩm thạch

Có lá màu trắng loang lổ trên nền lá màu xanh. Cây thường dùng làm cảnh, trang trí nội thất và có ý nghĩa phong thủy tốt, hợp với ai mệnh Kim và Thủy.

Hình 44: Cây Trầu bà cẩm thạch

9.5 Cây Cẩm Nhung

Hay gọi là cây may mắn, có màu xanh đậm hay đỏ chủ đạo, trên lá có gân màu trắng tạo vẻ đẹp tinh khiết và tràn trề sức sống. Cây dùng làm đẹp không gian sống, có ý nghĩa tốt đẹp, thu hút tài lộc và vận may.

Hình 45: Cây Cẩm nhung

9.6 Cây Vạn Lộc

Còn có tên cây Thiên Phú, thuộc họ Ráy, có nguồn gốc từ Indonesia, Thái Lan. Cây được ưa chuộng bởi màu đỏ hòa với màu xanh rất lạ cũng như ý nghĩa “vạn lộc” và may mắn mà nó mang lại.

Hình 46: Cây Vạn lộc

10. Cây lá màu bạc

10.1 Cây Tuyết sơn phi hồng

Là loại cây cảnh có nguồn gốc ở sa mạc vùng Texas, cây có lá màu bạc trắng và hoa màu hồng tím rất bắt mắt, thường trồng để làm đẹp cảnh quan, thanh lọc không khí.

Hình 47: Cây Tuyết sơn phi hồng

10.2 Cây Bạch đàn đô la bạc

Cây Bạch đàn đô lạc bạc còn có tên là cây đô la bạc, cây khuynh diệp, cây tiền bạc, cây đồng đô bạc... cây có lá màu trắng bạc, dạng giống như những đồng xu nên rất được yêu thích trồng để làm cảnh hay hút tài lộc.

Hình 48: Cây Bạch đàn đô la bạc

10.3 Cây Thiên thần tuyết

Cây Thiên thần tuyết hay còn gọi Angels Wings, là cây có xanh nhạt, bên trên có lớp màu bạc giống phấn bám lên, cây này có hình dáng đẹp nên thường trồng làm kiểng, làm đẹp quan cảnh.

Hình 49: Cây Thiên thần tuyết

10.4 Cây Cúc mốc

Cây Cúc mốc là loại cây bụi, có nguồn gốc từ Đông Á, xuất hiện nhiều ở Trung Quốc, Đài Loan và Philippines, đây là loại cây bụi dùng làm kiểng, có lá màu bạc đặc sắc, ngoài làm cây cảnh thì nó cũng là loại thảo dược trị ho, rối loạn kinh nguyệt, chướng bụng...

Hình 50: Cây Cúc mốc

11 Cây lá màu đen

11.1 Chùy hoa ba tư

Cây Chùy hoa ba tư có màu sắc khá lạ, lá màu tím đen, sẫm màu với đường gân xanh rất độc đáo, đối lập với nó là hoa màu trắng bạc tôn lên vẻ đẹp ma mị của loài cây này.

Hình 51: Cây Chùy hoa ba tư

11.2 Cây Ngọc lục bảo Brazil

Cây Ngọc lục bảo Brazil là loài cây cảnh có lá màu tím đen rất đẹp, cây có tên tiếng anh là Emerald Ripple, có nguồn gốc Brazil, cây thường dùng để trồng làm đẹp không gian, thanh lọc bụi bẩn và tạo điểm nhấn nội thất.

Hình 52: Cây Ngọc lục bảo Brazil

11.3 Cây Húng tây Basil Đen - Rubin

Cây Húng tây Basil Đen - Rubin là loại cây có họ hàng với cây Húng quế, giống Húng tây Rubin này có lá màu đen tuyền, hương vị hăng, chứa nhiều chất sắt và chất chống oxy hóa, được dùng chế biến thành các món ăn kiểu Ý.

Hình 53: Cây Húng tây Basil Đen - Rubin

11.4 Sen đá móng rồng màu đen

Cây Sen đá móng rồng có cánh lá trong như những chiếc móng rồng, cộng thêm màu đen huyền bí nên cây được gọi với cái tên này. Nhờ vào thân hình nhỏ nhắn, phát triển chậm nên được nhiều người chọn để bàn làm việc hoặc bàn phòng khách.

Hình 54: Sen đá móng rồng màu đen

11.5 Sen đá Hoàng tử đen

Sen đá Hoàng tử đen giống như những loại sen đá khác nhưng lại mang một màu sắc đen óng độc đáo. Sen đá dễ chăm sóc, có bề ngoài như một bông hoa.

Hình 55: Sen đá Hoàng tử đen

11.6 Bạc hà màu đen

Những chiếc lá tròn nhỏ, màu đen độc lạ thích hợp để trồng làm cảnh. Cây Bạc hà màu đen được nhiều người yêu thích bởi hình dáng dễ thương, màu sắc độc đáo.

Hình 56: Cây Bạc hà màu đen

II. QUY TRÌNH SẢN XUẤT

1. Chuẩn bị bầu ươm

Bầu ươm có màu đen, chắc chắn và còn nguyên vẹn. Đường kính bầu tùy theo giai đoạn cây con là 5-15cm và chiều cao bầu là 7-32cm. Số lỗ thoát nước 10-30, đường kính lỗ 0,6-0,8cm. Chuẩn bị giá thể để vô bầu (chất độn bầu) tỷ lệ: 1:3 gồm 1 phần đất mặt và 3 phần hỗn hợp gồm có 1 phần bột xơ dừa + 1 phần trấu mục + 1 phần tro trấu và một ít phân hữu cơ, nên vô giá thể trước 2/3 bầu để dễ thao tác khi cho cây vô bầu.

2. Giá thể nuôi cây 

Trong các thành phần của giá thể bầu ươm cây giống, tỷ lệ các thành phần và phân bón có vai trò cực kỳ quan trọng, giúp cho cây sinh trưởng tốt. Các loại giá thể như: đất tốt, mụn dừa, trấu, rơm mục, tro trấu… đã qua xử lý, khi trộn đều với đất sẽ làm tăng thêm độ tơi xốp cho đất, giúp đất không bị nén lại sau khi tưới nước hoặc để lâu ngày. Giá thể phải có khả năng giữ nước rất hiệu quả, giúp cây con trồng trong bầu ươm có sức sống càng cao.

2.1 Đất

Đất là thành phần không thể thiếu để làm bầu ươm cây, đất vô bầu cây giống phải chọn đất thịt nhẹ hoặc đất cát không có mầm bệnh, có nhiều chất dinh dưỡng, độ pH từ 6-7 là tốt nhất. Đất làm bầu ươm phải được làm thành các hạt nhỏ tơi xốp, để dễ dàng trộn hỗn hợp với các loại phân bón và giá thể khác. Bình thường, để có loại đất nhỏ tơi xốp như thế, chúng ta nên để cho đất khô rồi đập nhỏ, sau đó sàng theo yêu cầu, lọc bỏ sỏi và các tạp chất nguy hiểm. 

2.2 Mụn dừa

Mụn dừa là thành phần chủ yếu trong giá thể nuôi cây giống, Mụn dừa còn được nhiều người gọi là xơ dừa, mụn dừa hay mụn xơ dừa. Tuy nhiên khác với xơ dừa, mụn dừa đã được rây lọc chỉ cần phần mụn chứ không còn lẫn sợi xơ dừa.

Hình 57: Mụn dừa chưa xử lý

Mụn xơ dừa là phụ phẩm của quá trình nghiền vỏ dừa. Vỏ dừa sau khi nghiền sẽ cho ra 3 thành phần chính là lõi dừa, xơ dừa và mụn dừa. Sau khi bóc tách, sàng xơ dừa ta sẽ thu được mụn (chiếm 70% trong xơ). Đây được coi là nguồn nguyên liệu sạch dùng làm giá thể.

Mụn xơ dừa sau khi được tách ra khỏi vỏ dừa chưa thể dùng ngay vì nó có chứa 2 chất ảnh hưởng đến rễ của cây trồng đó là Tanin và Lignin. Hiện tại mụn dừa thường được bán trên thị trường bằng các bao tái sử dụng hoặc bao bì không có nhãn mác, mua về nên xử lý trước khi sử dụng.

Hình 58: Mụn dừa đã xử lý Tanin và Lignin

Tiến hành xử lý theo các bước sau:

  • Cho mụn dừa vào nước sạch để ngâm với lượng nước ngập được số mụn dừa, nước càng nhiều thì xả chát càng nhanh và triệt để nhưng tốn nước. Nếu không có điều kiện ngâm thì dùng vòi nước sạch pha vôi phun lên đống mụn dừa.
  • Sau khi ngâm được 2-3 ngày thì xả nước đi và thay nước mới ngâm tiếp 2-3 ngày nữa, sau đó lại tiếp tục xả nước đi.
  • Hòa nước vôi với lượng vôi bằng 5% trọng lượng khô của mụn dừa, rồi ngâm khoảng 5-7 ngày.
  • Sau khi ngâm nước vôi xong thì xả hết nước đó đi và cho nước sạch vào xả từ 1 đến 2 lần.
  • Đem phơi khô và trữ để sử dụng.

3. Trồng và chăm sóc cây kiểng lá

Cây con được trồng trong chậu cho vững chắc, sắp xếp các chậu vào vườn chăm sóc trên mặt đất hoặc trên kệ kiểng. Có 4 yếu tố cực kỳ quan trọng nhất cần chú ý trong quá trình chăm sóc các loài cây kiểng lá: ánh sáng, nước, giá thể trồng và chất dinh dưỡng. Ngoài ra, còn có thêm các yếu tố khác như: độ ẩm, độ vệ sinh và sự thoáng gió cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự sinh trưởng phát triển của cây.

3.1 Môi trường sống

Cây kiểng lá cần môi trường thích hợp để có hình dáng đẹp nhất, ánh sáng 70% nghĩa là chúng ta sẽ chỉ lấy 70% ánh sáng từ mặt trời, chúng ta cần phải căng lưới che hết khu vực mà ánh sáng mặt trời có chiếu qua. Đa số các loại cây kiểng lá là loại ưa ánh sáng tán xạ hơn ánh nắng gắt trực tiếp. Nếu như trong trường hợp vị trí đặt cây không đủ ánh sáng, chúng ta có thể sử dụng thêm các bóng đèn để chiếu sáng chuyên dụng dành cho cây cảnh trong nhà. Nếu cây đang trồng trong nhà thì cần để cây ở những nơi có chiếu ánh sáng tốt như cửa sổ, giếng trời và lắp thêm đèn Grow light riêng cho cây nếu muốn cây khỏe mạnh hơn. Ánh sáng ngoài trời nên để khoảng 6-7 tiếng cho cây là đủ. Ánh sáng đèn trong nhà thì từ 12-16 tiếng tùy vào nhu cầu mỗi cây.

3.2 Tưới cây

Chúng ta cần phải quan sát và hiểu cây nào cần nhiều nước (các loại dương xỉ, đuôi công) loại cây nào cần lượng nước vừa phải, cây cần lượng nước ít (sen đá). Việc cung cấp được lượng nước vừa đủ phù hợp rất quan trọng đối với sự sinh trưởng của cây trồng. Bởi lẽ mỗi loại cây đều sẽ có nhu cầu sử dụng nước khác nhau, vì thế người trồng nên tìm hiểu xem đặc điểm của từng loại, nhờ đó để có chế độ tưới phù hợp nhất. Bên cạnh đó, mức giữ nước của từng giá thể trồng cũng ảnh hưởng không kém cho việc tưới nước. 

3.3 Phân bón

Nhu cầu về dinh dưỡng cho mỗi loại cây sẽ có sự khác nhau. Nhu cầu này cũng sẽ có sự khác nhau ở từng giai đoạn sinh trưởng của cùng một cơ thể cây. Một lưu ý thêm để có thể bổ sung được thêm chất dinh dưỡng khi chăm sóc cây kiểng lá chính là sử dụng thêm phân tan chậm. Mỗi chậu cây sẽ cho vào khoảng 1 thìa cà phê nhỏ và cứ lặp lại 1 tháng/lần. Loại phân này thường rất phổ biến và hàm lượng dinh dưỡng khá tốt. 

Thông thường thì nên sử dụng phân tan chậm NPK lượng đều nhau hoặc cao thấp tùy theo giai đoạn của cây. Có thể kết hợp phân bón lá thích hợp cho từng giai đoạn. 

4 Phòng trừ sâu bệnh 

4.1 Sâu xanh ăn lá (Helicoverpa armigera)

Sâu thường ẩn nấp ở mặt dưới của lá, những chỗ lá mọc nhiều, ngọn, ăn các chồi non và các mép lá non, đục vào hoa và ăn vào bên trong… làm cây suy còi, phục hồi chậm, cây sau Tết vừa ra hoa sức yếu nên rất dễ bị sâu tấn công.

Biện pháp xử lý: Nếu số lượng cây ít bạn có thể bắt sâu, hoặc có thể phun các loại thuốc có hoạt chất như Emamectin benzoate, Abamectin...

4.2 Bọ trĩ (Frankliniella occidentalis)

Đây là loài sâu hại khó quan sát bằng mắt thường do chúng có kích thước bé, bọ trĩ thường núp dưới mặt lá, gốc cây, hút chích mật hoa, nhựa thân cây làm lá và hoa giảm sắc tố dẫn đến cây bị mất sức.

Biện pháp xử lý: Có thể tưới nước ở dưới lá để rửa trôi, hoặc phun các loại thuốc có hoạt chất như Imidaclodrid, Promecarb…

4.3 Rệp (Pleotrichophorus chrysanthemi, Macrosiphoniella sanborni, Coloradoa rufomaculata)

Gây hại nặng trên một số cây hoa kiểng. Loại rệp này sống bám ở bề mặt trên của lá, đặc biệt là lá non, trên đài, nụ hoa và ngọn cây. 

Biện pháp xử lý: Sử dụng thuốc có gốc Profenofos pha nước rửa chén để phun.

4.4. Bệnh tuyến trùng (Aphelenchoides ritzemabosi)

Tuyến trùng sống ký sinh trên lá, sẽ khiến cho lá bị khô héo, cây sinh trưởng chậm. Ký sinh trên mầm hoa, khiến cho mầm hoa bị khô, không thể trở thành nụ. Phần gốc rễ là nơi nhiều nhóm tuyến trùng ký sinh nhất. Tuyến trùng phá hoại rễ cây trồng bằng nhiều cách khác nhau. Có loài chỉ phá hoại phần biểu bì của rễ. Có loài đục sâu vào trong rễ sống ký sinh trong rễ khiến rễ phản ứng lại tạo nên những khối u sưng có hình dạng bất định làm biến dạng rễ, làm giảm khả năng cây hấp thụ nước và dinh dưỡng làm cho cây trồng bị suy yếu. Tác hại gây ra do tuyến trùng thường tương đối nhẹ, xảy ra chậm chạp. Tuy nhiên, khi mật độ tuyến trùng phát triển nhiều, bộ rễ bị hư hại nặng, cây trồng có thể bị chết. Những thương tổn do tuyến trùng gây ra là cơ hội cho các loại nấm bệnh xâm nhiễm gây thối rễ.

Biện pháp xử lý:

Biện pháp cơ học

  • Kiểm tra nguồn đất bổ sung, đảm bảo nguồn đất không bị nhiễm tuyến trùng.
  • Nguồn nước tưới đảm bảo không chảy từ nguồn nhiễm bệnh xung quanh. Cần đánh rãnh thoát nước trong vườn, đảm bảo thoát nước tốt sau khi mưa, tránh tình trạng nước chảy tràn khi mưa sẽ làm lây lan mầm bệnh.
  • Cần chọn lọc giống kỹ hạn chế lây lan nhiễm tuyến trùng từ giống cây.
  • Đối với mẫu bệnh tại vườn, sau khi xử lý cây nhiễm bệnh thì cần được mang đi đốt bỏ. Không nên vứt cây bệnh, rễ cây mang mầm bệnh vào nguồn nước tưới.
  • Cần khử trùng, vệ sinh sạch dụng cụ làm vườn trước khi sử dụng để tránh lây nhiễm.

Biện pháp hóa học

Xử lý đất bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất diệt tuyến trùng và nấm bệnh gây hại trước khi canh tác: Carbosulfan, Fosetyl aluminium, profenofos...

4.5 Bệnh gỉ sắt (Puccinia spp., Uromyces spp., Hemileia vastatrix)

- Bệnh rỉ sắt: bệnh thường ít xuất hiện trên hoa, nhưng có nhiều trên cây cảnh, những nơi có mật độ trồng dày. 

- Biểu hiện: bệnh thường xuất hiện những đốm tròn màu vàng hay màu gỉ sắt, về sau có màu vàng nâu, hơi đỏ, bệnh hại mặt dưới lá, chồi non, cuống lá, đôi khi hại cả thân cây, làm cho thân teo tóp lại, nếu không chữa trị kịp thời bệnh lan rộng cả mặt lá làm cho cháy lá, lá vàng rụng sớm.

- Biện pháp xử lý: Loại trừ tuyệt đối các cành bệnh, cây bệnh, tạo độ thông thoáng, bón phân hợp lí, khỏe mạnh, phun các loại thuốc Bavistin nồng độ 0,15-0,2%, Zineb BTN nồng độ 0,1-0,3%, để phòng trị.

4.6 Bệnh phấn trắng (Oidium chrysanthemi)

Thường xuất hiện trên các bộ phận non của cây, vết bệnh dạng bột màu trắng xám như bột phấn, hình bất định. Mặt dưới lá, mô bệnh chuyển sang màu vàng nhạt, làm cho lá khô héo rụng sớm, nụ thối, hoa nhỏ không nở được hoặc nở lệch về một bên.

Cách phòng trị: Phun thuốc trừ bệnh có chứa hoạt chất Sulfur, đồng hoặc Myclobutanil, giữ vệ sinh vườn trồng, tăng cường chăm sóc, dinh dưỡng cây trồng và cắt tỉa các phần cây bị nhiễm bệnh.

4.7 Bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides và Cephaleures virescens)

Bệnh có thể gây hại các bộ phận cây như lá, hoa, chồi và cành non. Dấu hiệu bệnh: thường xuất hiện những đốm màu nâu, vết bệnh phát triển lớn lên và liên kết nhau làm khô cháy các mảng lá khiến lá cây bị vàng úa, đọt và chồi non bị xoắn lại, hoa bị khô đen, cây sinh trưởng kém.

Để phòng và trị bệnh thán thư trên kiểng lá, cần vệ sinh vườn cây trồng, cắt tỉa các tán lá ở gần gốc thân tạo độ thông thoáng, giúp cây nhận được nhiều ánh sáng và hạn chế sự phát triển của bệnh. Tưới đủ nước cho cây, vào mùa mưa thì chú ý hạn chế nước mưa để đất quá ẩm ướt. Chú ý bón đầy đủ phân và cân đối NPK. Khi xuất hiện bệnh có thể dùng luân phiên một trong những loại thuốc như: Propineb (Antracol 70WP), hoặc thuốc có hoạt chất Difenoconazole, Tebuconazole…

4.8 Bệnh mốc xám (Botrytis cinerea Persoon)

Bệnh mốc xám có thể gây hại cho lá, cành, hoa. Bộ phận bị bệnh sẽ thối rữa và biến thành màu nâu. Trong điều kiện ẩm ướt, bộ phận bị bệnh xuất hiện lớp mốc màu xám. Thân cây bị bệnh có thể bị thối gãy, trường hợp nghiêm trọng cây có thể bị chết khô. Khi cây mắc bệnh, cần phải hạ nhiệt độ kịp thời, đặt cây ở nơi thoáng gió. Kiểng lá bón phân nitơ quá nhiều, trồng quá dày, thiếu ánh sáng, không thoát nước bệnh sẽ rất nặng. 

Biện pháp phòng trị: cần xử lý giá thể, khử trùng đất trước lúc trồng. Phun thuốc: Zineb 0.2% hoặc Daconil 0.2%, 10 ngày phun 1 lần, phun 2-3 lần.

4.9 Bệnh loét cây(Xanthomonas campestris)

Ở lá non, triệu chứng bệnh ban đầu là những chấm nhỏ có đường kính trên dưới 1mm, màu trong vàng, thường thấy ở mặt dưới của lá, sau đó vết bệnh mở rộng và phá vỡ biểu bì mặt dưới lá, màu trắng nhạt hoặc nâu nhạt. Lá bệnh không biến đổi hình dạng nhưng dễ rụng, cây con bị bệnh nặng thường hay rụng lá.

Nếu bón phân quá nhiều, cành lá mọc vượt, dễ khiến cây mắc bệnh này. Có thể phun xịt dung dịch gốc đồng để phòng trị.

4.10 Bệnh thối nhũn (Xanthomonas malvacearum)

Bệnh thối nhũn do vi khuẩn gây ra, bệnh lây lan rất nhanh.  Phun thuốc phòng bệnh, phun định kỳ, vệ sinh khu vực sản xuất sạch sẽ, diệt cỏ, nên luân phiên phun.  Một số thuốc thường được sử dụng: các loại thuốc gốc đồng hoặc kháng sinh.

4.11 Bệnh thối thân, thối rễ (Phytophthora spp.)

Bệnh làm cho cây con thối rễ, thối cổ thân: nguyên nhân do nấm. Nấm này thường xuất hiện phổ biến vào mùa mưa và khi giao mùa. Xuất hiện nhiều trong líp gieo ươm, làm chết hàng loạt cây con, đặc biệt những líp gieo mật độ cao rất dễ sinh nấm.

Phòng trị bằng các loại thuốc như: Aliette 800WG, Antracol 70WG, Mexyl MZ 72WP.