I. NHÂN GIỐNG
Hiện nay, các nhà vườn nhân giống Cúc mâm xôi theo 2 phương pháp: giâm cành và nuôi cấy mô, trong đó nông dân thường chọn cách giâm cành để nhân giống, phần cây nuôi cấy mô nông dân chỉ mua tại cơ sở nuôi cấy có quy trình chuẩn, cho nên trong tài liệu này chỉ giới thiệu cách nhân giống truyền thống giâm cành là chính, còn kỹ thuật trồng hoa Cúc mâm xôi từ cây cấy mô cũng tương tự như trồng cây con bằng phương pháp giâm cành.
1. Trồng vườn cây mẹ
1.1 Chọn trồng cây mẹ
Chọn cây khỏe mạnh từ những cây trong vụ trồng, phân cành đều, sức sống mạnh, lưu ý cần phải đạt tiêu chuẩn của vườn sản xuất hoa theo thị hiếu của thị trường. Trên cây mẹ chọn cành giâm bánh tẻ, không quá già, không quá non để cắt thành cành giâm. Chiều dài cành giâm 6-8cm, có khoảng 3-4 lá/cành. Các lá trên cành đều xanh tốt, không bị sâu bệnh, sức sống cành giâm khoẻ để trồng làm cây mẹ sản xuất giống. Đây là một biện pháp kỹ thuật truyền thống đang được áp dụng phổ biến hiện nay.

Muốn có cành giâm tốt phải chuẩn bị vườn cây nguyên liệu (cây mẹ) thật tốt và đúng thời điểm, thường thì cung cấp cây giống để trồng vào tháng 6 âm lịch hàng năm. Hệ số nhân Cúc theo phương pháp này đạt từ 15-20 lần, tức là để trồng từ 15-20 ha cần phải có 1 ha vườn cây mẹ. Ngoài ra, cần phải có một số yêu cầu khác, đó là cao ráo, kín gió, thuận tiện cho việc vận chuyển, bảo quản mầm cây con và có điều kiện làm nhà che bằng nhựa PE đơn giản để tránh mưa to, gió lớn, nắng nóng cao. Những cây mẹ được chọn để đem trồng là những cây ra rễ nhiều, khoẻ mạnh, không sâu bệnh. Cần lên luống cao, thoát nước, trồng với khoảng cách 15×15cm (mật độ 400.000 cây/ha) chủ yếu là để dễ chăm sóc và cung cấp cành giâm sản xuất cây con trồng vào dịp tết.
1.2. Chăm sóc vườn cây mẹ
Sau khi trồng 5-10 ngày, tiến hành bón các loại phân qua lá hoặc qua rễ cho cây. Có thể sử dụng phân bón NPK 30-10-10 + TE; 20-10-10. Loại phân bón này có đầy đủ các nguyên tố đa lượng cho cây trồng đó là: đạm, lân và kali vừa có thể tưới gốc hoặc có thể phun lên lá bằng các loại phân có đủ đa - trung - vi lượng để giúp cây phát triển nhanh và khỏe mạnh được pha với nồng độ 1-2‰. Định kỳ 10-15 ngày bón cho cây 1 lần. Lưu ý phòng trừ sâu bệnh cho vườn.
Sau khi trồng 12-15 ngày, tiến hành bấm ngọn lần 1 để cây tạo ra nhiều nhánh và 20 ngày sau bấm ngọn lần 2. Sau lần bấm ngọn lần 2 từ 1 cây đã cho ta 9-15 mầm có thể cắt đem giâm, đồng thời lần bấm này cũng có tác dụng tiếp tục tạo tán, tạo mầm cho cây. Sau đó, cứ khoảng 15-20 ngày ta lại thu được một lứa mầm, lúc này từ một cây có thể cho tới 50-70 mầm, cứ với mức độ như vậy trong 1 vụ (khoảng 4-6 tháng) với 1.000m2 vườn cây mẹ có thể cho tới 223.000-297.000 cành giâm có chất lượng tốt, đủ trồng cho từ 1,5-2,0 ha vườn sản xuất.
2. Nhân giống cây cúc mâm xôi
2.1 Chuẩn bị nhà giâm
Nhà giâm đơn giản, làm từ những thanh sắt, hoặc cây tre uốn thành hình vòm cung, chiều rộng vòm 2,2-2,5m, chiều cao từ 1,8-2m, vòm được che phủ 2 lớp. Lớp trên là loại lưới che, có tác dụng hạn chế cường độ ánh sáng và làm giảm nhiệt độ. Phía trong là lớp ni lông trắng có tác dụng ngăn mưa, gió và giữ ẩm trong nhà giâm. Thiết kế sao cho 2 lớp ni lông này có thể kéo lên, kéo xuống để điều chỉnh lượng ánh sáng, gió từ bên ngoài vào.
Giá thể giâm Cúc có thể là mụn dừa đã qua xử lý, rơm mục, tro trấu, mụn dừa, trấu mục, đất phù sa, đất thịt nhẹ hay đất bùn ao phơi khô,… trộn thành hỗn hợp tơi xốp Trước khi giâm cần xử lý giá thể bằng thuốc trừ nấm bệnh gốc đồng.
Chọn cành giâm bánh tẻ, không quá già, không quá non. Chiều dài cành giâm 6-8cm, có khoảng 3-4 lá/cành. Các lá trên cành đều xanh tốt, không bị sâu bệnh, sức sống cành giâm khoẻ.
Mật độ giâm phụ thuộc vào giống và thời vụ. Một số giống có cành to, lá nhiều giâm với mật độ 3x3cm tức 1.000 cành/m2.

Việc cắt cành nên tiến hành vào buổi sáng. Không nên cắt vào buổi trưa, hoặc những ngày có mây mù hoặc sau những cơn mưa, vì sẽ làm mất sức sống của cành được cắt. Trước khi cắt, nên phun thuốc phòng trừ nấm bệnh, rệp. Khi cắt xong, giâm liền trong ngày, không nên để đến ngày sau. Dụng cụ cắt cành cần khử trùng bằng cồn trước các thao tác để sát khuẩn và hạn chế mầm bệnh. Ngọn giâm cần cắt vát sát mắt để tăng diện tích tiếp xúc với đất, nước, kích thích cây mau ra rễ. Có thể tiến hành giâm ngọn theo 2 cách:
+ Giâm khô tức là cắm ngọn giâm vào cát sau đó mới tưới đẫm nước.
+ Giâm ướt tức là tưới đẫm nước vào cát sau đó cắm ngọn giâm.
Việc cắt cành nên tiến hành vào buổi sáng. Không nên cắt vào buổi trưa, hoặc những ngày có mây mù hoặc sau những cơn mưa, vì sẽ làm mất sức sống của cành được cắt. Trước khi cắt, nên phun thuốc phòng trừ nấm bệnh, rệp. Khi cắt xong, giâm liền trong ngày, không nên để đến ngày sau. Dụng cụ cắt cành cần khử trùng bằng cồn trước các thao tác để sát khuẩn và hạn chế mầm bệnh. Ngọn giâm cần cắt vát sát mắt để tăng diện tích tiếp xúc với đất, nước, kích thích cây mau ra rễ. Có thể tiến hành giâm ngọn theo 2 cách:

Sau khi giâm phải che kín gió, che bớt ánh sáng từ 5-7 ngày để tạo bóng tối cho cành giâm nhanh phát sinh rễ non.
Sau đó, tùy theo thời tiết, mà có thể kéo dài lớp lưới và nilon che một cách từ từ để cây quen dần với ánh sáng. Trước khi lấy cây ra trồng ngoài vườn sản xuất nên bỏ lưới và nilon che để lúc trồng cây không bị sốc sinh lý. Có thể tăng cường khả năng ra rễ của cây bằng cách sử dụng chất kích thích sinh trưởng xử lý cành giâm. Chất kích thích thường được sử dụng là axit indol butyric (IBA) và axit naphtyl axetic (NAA).
Do ngọn giâm mầm nhỏ, dạng thân thảo nên nồng độ dung dịch thuốc phải pha loãng khoảng từ 25-50 ppm (các loại thuốc này đã được pha sẵn dạng chế phẩm có bán tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp.

Cành giâm trước khi cắm vào cát được nhúng vào dung dịch thuốc, ngập 1-1,5cm trong khoảng 10-15 giây. Cũng có thể sử dụng kích thích ra rễ trên thị trường, xử lý đều cho hiệu quả rất tốt.
Giai đoạn trong vườn ươm không cần phải bón phân, chỉ cần luôn giữ ẩm bằng cách phun mù trên lá. Những ngày đầu phun ngày 3-4 lần sao cho lá cây luôn đảm bảo xanh tươi không héo, những ngày sau có thể giảm dần số lần tưới phun. Dùng kẹp gắp bỏ những lá thối, lá bị dính đất, lá bị rụng hoặc những cánh bị khô, thối để ngăn chặn sự lan truyền sang cây khác.
Cũng có thể sử dụng phân bón lá với liều lượng thấp, phun cho cây vào giai đoạn các cành giâm bắt đầu bén rễ. Phương pháp này có thể bổ sung lượng dinh dưỡng cho cây khi rễ cây còn yếu, chưa cung cấp đủ thức ăn. Sau 12-15 ngày kể từ khi giâm, rễ của các cành giâm dài từ 2-3cm, mỗi cành ra 3-5 rễ là có thể đem ra.
II. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÚC MÂM XÔI
1. Làm giá thể trồng:
Theo kinh nghiệm của nông dân trồng Cúc mâm xôi nhiều năm, giá thể thường dùng là hỗn hợp các loại gồm: 05 bao phân chuồng + 08 bao xơ dừa + 02 bao trấu + 20kg phân lân + 02kg thuốc sát trùng hột cho 2.000 giỏ hoa, giá thể được trộn đều với nhau, đem phơi nắng trước đó 1 tuần rồi cho vô 2/3 giỏ trồng có kích thước phù hợp theo từng phân khúc lớn, trung, nhỏ. Cúc mâm xôi có bộ rễ ăn nông nên khi chọn đất trồng cần chú ý đến lựa chọn đất trồng Cúc cho phù hợp. Cúc mâm xôi có bộ rễ phát triển mạnh nên trồng trên đất thịt nhẹ, tơi xốp hoặc đất phù sa mới, đất có khả năng thoát nước tốt và sạch. Độ pH phù hợp đất trồng từ 6-6,5.

Chuẩn bị chậu: tùy vào độ trồng Cúc mâm xôi bà con có thể chuẩn bị chậu nhựa, chậu nan tre, có đường kính từ 21cm trở lên để trồng. Chọn chậu có độ bền trên 6 tháng với điều kiện ngoài trời và còn tính thẩm mỹ. Trước khi trồng cây vào chậu 1 tuần cần xử lý phun tưới đều Ridomil nồng độ 3g/L nước để xử lý nấm bệnh cho giá thể trồng.
Cách xử lý mụn xơ dừa khi mới mua về:
Xử lý mụn dừa chính là tách thành phần tanin và lignin ra khỏi mụn dừa và giữ lại các thành phần có ích, vì tanin và lignin là 2 chất có tác động trực tiếp làm cản trở quá trình phát triển của cây trồng: làm tắc đường hút không khí, dinh dưỡng của cây trồng, 2 chất này khó phân hủy. Đặc biệt lignin chỉ hòa tan trong môi trường kiềm sẽ làm cây chậm phát triển, bị còi cọc, nhiễm độc, lâu dần sẽ làm chết cây.
Tiến hành xử lý theo các bước sau:
- Cho mụn dừa vào nước sạch để ngâm với lượng nước ngập được số mụn dừa, nước càng nhiều thì xả chát càng nhanh và triệt để nhưng tốn nước.
- Sau khi ngâm được 2-3 ngày thì xả nước đi và thay nước mới ngâm tiếp 2-3 ngày nữa, sau đó lại tiếp tục xả nước đi.
- Hòa nước vôi với lượng vôi bằng 5% trọng lượng khô của mụn dừa, rồi ngâm khoảng 5-7 ngày.
- Sau khi ngâm nước vôi xong thì xả hết nước đó đi và cho nước sạch vào xả từ 1 đến 2 lần.
- Đem phơi khô và trữ để sử dụng.
2. Trồng cây con
Trước khi xuống giống, cần làm giàn để chậu Cúc cho vững chắc. Các cây được chọn đem trồng sản xuất phải là những cây xanh tốt, khỏe mạnh, có bộ rễ phát triển. Loại bỏ những cây yếu ớt, bị sâu bệnh. Nếu đi mua cây con về trồng cần phải phân loại cây. Các cây có hình dáng, kích thước, bộ rễ, sức sống như nhau trồng thành 1 giàn. Các cây yếu hơn trồng giàn khác. Có như vậy mới tiện cho việc chăm sóc và xử lý ra hoa đồng loạt sau này.
Chọn thời điểm râm mát hoặc trồng vào buổi chiều mát, tưới nhẹ các chậu đã được chuẩn bị sau đó dùng đem cây ra trồng. Khi trồng xong lấy tay ấn chặt gốc. Tùy theo mục tiêu sản phẩm mà chọn cách trồng giữa chậu hay xung quanh chậu, số lượng cây trong mỗi chậu. Những ngày đầu, tưới nước cần hết sức nhẹ nhàng tránh lây sang gốc, trôi cây. Không để các lá ở dưới dính vào đất hoặc bùn đất bắn lên các lá non làm bít các khí khổng, ảnh hưởng đến sự quang hợp, hô hấp và sự bốc hơi nước của bộ lá khi cây chưa xanh trở lại. Có thể trồng thành từng chùm hoặc bố trí cây đều trong chậu.

3. Thời điểm trồng
Thời điểm trồng Cúc mâm xôi phụ thuộc vào kỹ thuật chăm sóc và tạo tán, nên thời gian sẽ khác nhau tùy vào điều kiện và mục tiêu tạo ra sản phẩm. Việc tạo tán cho Cúc mâm xôi rất quan trọng vì liên quan đến kích thước và vẻ đẹp của cây, cho nên xử lý tạo tán bằng cách ngắt đọt để cây cho ra nhiều cành.
Thời điểm trồng có thể thay đổi tùy theo cách ngắt đọt tạo tán, nếu sử dụng cách ngắt 5 cơi đọt, thì xuống giống trong khoảng thời gian từ mùng 6 đến mùng 10 tháng 6 âm lịch. Cũng có thể chọn cách ngắt 04 cơi đọt thì xuống giống trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến ngày 30/6 âm lịch.
4. Chăm sóc cây Cúc mâm xôi
4.1 Bón phân
- Sau thời gian 03 ngày xuống con giống: xịt ngừa bệnh thối rễ và héo xanh, các loại bệnh này thường xảy ra trên cây Cúc. Cách 5-7 ngày xịt một lần và thuốc xịt ngừa thay đổi liên tục tránh trường hợp kháng sâu bệnh. Ngoài ra trong thời gian Cúc xuống giống được nuôi trong chậu, định kỳ 5 ngày nên dùng phân bón NPK tưới cho cây loại 30-30-0 hoặc 20-20-0 tỷ lệ 0,5kg/1.000 giỏ, đến đầu tháng 10 âm lịch thì giảm lượng phân xuống.
- Giai đoạn từ khi trồng đến tháng thứ 2: dùng loại phân bón có hàm lượng đạm và lân cao đó là phân NPK 16-16-8 hòa vào nước và tưới vào gốc cây, hoặc bón trực tiếp vào gốc cây theo liều lượng trên bao bì. Bên cạnh đó kết hợp phân bón lá chứa nhiều dinh dưỡng vi lượng sẽ giúp cây không bị xoắn lá và vàng lá, cây sẽ hấp thụ đủ dinh dưỡng và có màu xanh đẹp, sử dụng phân bón qua lá có NPK 13-13-10 + TE phun định kỳ qua lá 20 ngày/lần.

- Giai đoạn sau tháng thứ 2: Lúc này cây bắt đầu phân hóa mầm hoa, cần đổi loại phân bón, chọn loại có hàm lượng kali cao như NPK 16-8-18 bón vào gốc cây 1 tháng/lần. Kết hợp phân bón nhiều thành phần vi lượng NPK 8-10-18 + TE phun 15 ngày/lần. Bạn nên thực hiện đúng kỹ thuật cây sẽ ra nhiều hoa, hoa nở đều và lâu tàn.
- Đến giai đoạn gần tết: Khoảng 20/12 âm lịch khi cúc trổ bông, dùng phân NPK 15-15-15 kết hợp phân dơi ngâm tưới cho cây, cách này giúp cho bông lâu tàn. Khi cây phát triển nhanh, cho nhiều hoa và nụ nở sớm, cần tiến hành xới đất xung quanh chậu hoa để không làm tổn thương bộ rễ con làm cây kìm hãm sự hấp thụ dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi thực hiện thao tác này cần chú ý đến sự phát triển của bộ rễ, tránh làm tổn thương đến rễ chính làm chết cây.

Ngoài ra có thể sử dụng các chất kích thích ra hoa được khuyến cáo để phun cho cây Cúc mâm xôi như Gibberellic acid 90% (GA3) giúp kích thích sự phát triển của chiều cao thân, cành, rễ, giúp kích thích hoa nở sớm hơn và kéo dài tuổi thọ hoa hơn khi hoa nở sử dụng với nồng độ 2g/100L nước phun đồng đều lên toàn bộ thân lá và rễ cây hoa Cúc mâm xôi. Kết hợp bón phân NPK cho cây.
Lưu ý: Không bón phân lúc sáng sớm khi lá còn ướt sương, không bón vào buổi trưa nắng. Nên bón vào lúc 7 giờ đến 9 giờ sáng khi đã ráo sương, bón vào những ngày nắng nhẹ, mát mẻ, ấm áp. Sau khi bón xong cần tưới nước đẫm để cây có thể hấp thu phân bón nếu bón phân dạng rắn. Kịp thời rửa lá bằng nước sạch sau khi bón phân.
4.2 Tưới nước
Những ngày đầu mới trồng nên dùng vòi nước tưới nhẹ hoặc bình xịt tưới nhẹ cho cây để tránh trôi đất, lay cây. Khi tưới cần chú ý không để đất bắn lên lá dưới gốc cây làm bít lỗ khí khổng của lá ảnh hưởng đến sự quang hợp, thoát hơi nước của cây khi cây đang trong giai đoạn còn non chưa hồi xanh lại.

Nên tiến hành tưới nước ngày 2 lần vào sáng và chiều mát, đảm bảo độ ẩm cho cây luôn đạt 65-70% để cây sinh trưởng và phát triển, cây khỏe mạnh. Không nên tưới nước lên cây vào lúc trời nắng gắt hoặc khi thời tiết quá lạnh làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.
4.3 Cắt tỉa, bấm ngọn cho cây
Để cây ra nhiều nhánh sum suê, chúng ta có thể bấm ngọn 4-5 lần. Bấm ngọn lần 1 sau 15-20 ngày, bấm ngọn lần 2 sau lần 1 khoảng 15-20 ngày, bấm đều ngọn sao cho cây có chiều cao ngang nhau.
4.4 Điều khiển ánh sáng cho cây: Cúc là loại cây ưa ánh sáng, chính vì vậy khi thời điểm cây chưa có động thái ra lộc non hay nụ non thì cần cung cấp đầy đủ ánh sáng cho cây, nên để cây ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng chiếu vào.
Tuy nhiên nếu cây đã cho ra nụ, có thể cho ra hoa sớm hơn trước tết thì cần chú ý đến ánh sáng của cây, hạn chế ánh sáng tiếp xúc quá nhiều đối với cây, làm cây kích thích phát triển cho hoa nở sớm. Nhưng cần đảm bảo lượng ánh sáng cho cây trong ngày ít nhất 1-2 giờ cho cây phát triển.
4.5 Điều khiển nhiệt độ cho cây Cúc mâm xôi: Cần chú ý khi nhiệt độ trong ngày quá cao khiến cây bị héo úa và giúp kích thích cho cây nhanh nở hoa. Để cây sinh trưởng cho hoa nở đúng nên để nhiệt độ thích hợp cho cây từ 13-18oC. Tuy nhiên, tại Bến Tre nhiệt độ thấp nhất giao động từ 22-28oC nên để cho hoa nở đẹp đúng dịp Tết cần tiến hành hãm nhiệt độ xuống bằng cách che bớt nắng bằng lưới đen nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho cây. Nếu nhiệt độ trong năm thấp và kéo dài thì cần cung cấp nhiệt độ cho cây bằng cách thắp thêm bóng đèn cho cây. Làm như vậy cây sẽ sinh trưởng phát triển và cho hoa nở vào đúng vào dịp Tết.
4.6 Tuyển nụ hoa
Chọn những nụ hoa mạnh, đồng đều trên cây cho hoa nở đồng loạt, thông thường chỉ để nụ hoa trên mỗi cành chính của nhánh, còn những nụ hoa ở cành phụ loại bỏ để tập trung cho hoa chính nở mạnh và rộ.

III. PHÒNG TRỪ SÂU HẠI CHÍNH
1. Sâu xanh: (Helicoverpa armigera)
Sâu xanh là loài sâu đa thực, ngoài các cây hoa còn gây hại nhiều cây trồng khác. Sâu xanh thường phá lá non, ngọn non, nụ và hoa. Sâu tuổi 1 ăn phần thịt lá chừa lại biểu bì. Từ tuổi 2 trở đi đục vào nụ, ăn rỗng nụ và hoa, di chuyển từ nụ này sang nụ khác. Khi đẫy sức chui xuống đất làm kén hoá nhộng, trưởng thành hoạt động ban đêm, ban ngày ẩn nấp dưới bụi cỏ, lá cây. Trưởng thành đẻ trứng rải rác từng quả thành từng cụm ở cả 2 mặt lá non, ở nụ hoa, ở đài hoa và hoa. Chúng thường thích đẻ trứng ở nụ hoa và đài hoa.

Biện pháp phòng trừ:
- Luân canh với một số cây trồng khác họ, khi hết mùa tết.
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ sâu xanh trên cây hoa Cúc. Có thể tham khảo sử dụng một số hoạt chất như Abamectin, Cypermethrin, Bacillus thuringiensis.
2. Nhện đỏ: (Tetranychus urticae)
Nhện chích hút dinh dưỡng của lá làm cho lá bị rộp, biến dạng dẫn đến sự quang hợp của lá bị giảm sút, lá có thể bị vàng rụng, làm giảm giá trị thẩm mỹ và năng suất của cây trồng. Trong quá trình chích hút có thể chúng sẽ tiết ra độc tố gây hại cây trồng.

Biện pháp phòng trừ:
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm để có biện pháp kiểm soát kịp thời; hạn chế tối đa việc đi lại giữa nơi có nhện và nơi không có để tránh sự lây lan; tưới nước nhằm giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm để kéo dài vòng đời của nhện.
- Biện pháp sinh học: sử dụng nhện ăn mồi Phytoseiulus persimilis để kiểm soát nhện đỏ rất hiệu quả trên nhiều loại cây trồng trong nhà kính và trồng ngoài trời. Nhện ăn mồi được thả vào khu vực trồng cây có thể khống chế nhện đỏ trong suốt quá trình canh tác.
Biện pháp hóa học: Có thể sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất lưu huỳnh, Abamectin, để phòng trừ.
3. Bọ trĩ: (Frankliniella occidentalis)
Bọ trĩ chích hút nhựa ở lá non, chồi non và nụ hoa làm lá vàng, màu hoa nhạt, lá non và cánh hoa biến dạng xoắn lại, cây sinh trưởng kém. Tại vết gây hại có những đốm tròn trong như giọt dầu, ở giữa có một chấm vàng, lúc đầu vàng trắng sau biến thành nâu đen. Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện khô và nóng. Vòng đời ngắn, sức sinh sản mạnh và có khả năng kháng thuốc cao.

Biện pháp phòng trừ: Khi bọ trĩ mới phát sinh gây hại thường xuyên tưới phun nước cho cây:
- Sử dụng bẫy dính màu vàng để tiêu diệt trưởng thành bọ trĩ
- Sử dụng thuốc có hoạt chất Dinotefuran, Abamectin, Imidacloprid… để phòng trừ.
4. Rệp các loại: (Pleotrichophorus chrysanthemi, Macrosiphoniella sanborni, Coloradoa rufomaculata)
Trên hoa cúc có 3 loại rệp thường gặp:
- Rệp xanh đen: (Pleotrichophorus chrysanthemi).
- Rệp muội nâu: (Macrosiphoniella sanborni).
- Rệp xanh lá cây: (Coloradoa rufomaculata).
Trong 3 loài rệp trên loài rệp xanh đen gây hại phổ biến hơn cả.

- Rệp chích hút dịch cây tạo thành vết nhỏ màu vàng nâu hoặc thâm đen, làm cây còi cọc, ngọn xoăn chùn lại, lá biến dạng, nụ hoa bị thui không nở, cánh hoa nhạt màu và úa. Đồng thời sản phẩm bài tiết của chúng tạo điều kiện cho nấm bồ hóng đen phát triển làm giảm khả năng quang hợp, nhất là khi thời tiết mưa ẩm kéo dài. Vòng đời trung bình 15-20 ngày, một năm có thể hình thành 20 lứa liên tiếp.
Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh đồng ruộng triệt để.
- Khi mật số rệp cao có thể dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Emamectin benzoate + Petroleum spray oil.
5. Tuyến trùng: (Aphelenchoides ritzemabosi)
Tuyến trùng xâm nhập vào cây qua khí khổng, hoàn thành chu kỳ sinh sản trong mô cây, chích hút nhựa làm lá và hoa khô héo. Có thể sống trong cây bệnh và trong đất tới 6-7 tháng. Tuyến trùng lan truyền qua cành giâm, tàn dư cây bệnh và nước tưới, nước mưa.

Triệu chứng bệnh thể hiện chủ yếu trên lá, một số trường hợp gây hại chồi và hoa. Lá bị bệnh biến màu, đồng thời xuất hiện các đốm vàng nhạt hoặc vàng nâu phân biệt rõ rệt với gân lá. Đốm bệnh lớn dần làm lá xoăn và khô héo. Chồi và hoa bị bệnh cũng biến dạng xoăn lại và héo.
Biện pháp phòng trừ:
- Dùng cành giâm, cây giống không bị bệnh. Xử lý giống bằng cách ngâm trong nước ấm 50oC trong 10 phút.
- Ngắt bỏ lá, chồi và hoa bị bệnh tập trung đốt.
- Sử dụng một số loại thuốc hóa học: Chitosan (Tramy 2SL); Cytokinin (Geno 2005 2SL) để phòng trừ.
IV. PHÒNG TRỊ BỆNH HẠI CHÍNH
1. Bệnh đốm đen: (Septoria chrysanthemella)
Trên lá vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu nâu đen, về sau vết bệnh lớn lên thành những đốm tròn hoặc bầu dục, đường kính 5-10mm. Bệnh nặng các đốm liên kết liền nhau tạo thành vết cháy lớn, trên đó có nhiều chấm nhỏ màu đen (ổ bào tử), lá vàng và rụng, cây sinh trưởng kém, hoa nhỏ.

Biện pháp phòng trị:
- Chọn lọc các giống Cúc ít nhiễm bệnh để trồng.
- Luân canh cây trồng.
- Tăng cường chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối.
Dùng thuốc bảo vệ thực vật gốc Chlorothalonil, Azoxystrobin… để phòng trị.
2. Bệnh đốm nâu: (Curvularia sp.)
Vết bệnh thường lan từ mép lá vào trong phiến lá, hình tròn hoặc hình bán nguyệt, hình bất định màu nâu xám hoặc nâu đen. Bệnh nặng vết bệnh rất lớn làm lá vàng dễ rụng. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao.

Biện pháp phòng trị:
- Bón phân đầy đủ, cân đối.
- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom lá bệnh tiêu hủy.
- Sử dụng thuốc sau để phòng trị: Tebuconazole + Trifloxystrobin (Nativo 750WG).
3. Bệnh đốm vàng: (Alternaria sp.)
Vết bệnh hình tròn hoặc hình bất định, màu xám nâu hoặc xám đen. Vết bệnh thường lan từ mép lá, chót lá vào trong phiến lá, xung quanh có quầng vàng rộng. Gặp thời tiết ẩm ướt, trên mô bệnh có lớp nấm mốc màu đen, lá bị thối, dễ rụng. Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ khoảng 20-280C và ẩm độ cao trên 85%.

Biện pháp phòng trị:
- Mật độ trồng hợp lý.
- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng.
- Sử dụng thuốc Tebuconazole+Trifloxystrobin (Nativo 750WG) để phòng trị.
4. Bệnh héo vàng: (Fusarium sp.)
Vết bệnh xuất hiện ở phía gốc thân, tạo thành các vết màu nâu đen, biểu bì chỗ vết bệnh hơi phình lên sau đó nứt ra, khi ẩm ướt chỗ vết nứt có lớp sợi nấm màu trắng. Rễ cây bị bệnh thối đen dần. Cắt ngang thân chỗ gần vết bệnh thấy mạch dẫn có màu thâm đen. Lá bị vàng dần từ dưới trở lên, một số cành bị khô héo, cuối cùng toàn cây héo chết. Bệnh phát sinh nhiều trong điều kiện khí hậu nóng và mưa. Nấm bệnh tồn tại trong đất và tàn dư cây bệnh ở dạng sợi nấm.

Biện pháp phòng trị:
- Phơi đất và bón vôi trước khi trồng.
- Bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ.
- Vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy triệt để tàn dư cây trồng.
- Biện pháp hóa học: sử dụng thuốc sau để phòng trị:
+ Dazomet (Basamid Granular 97MG);
+ Oxytetracycline + Streptomycin (Miksabe 100WP).
5. Bệnh héo xanh do vi khuẩn:
Bệnh do vi khuẩn gây hại gốc rễ, làm thối rễ, cây bị bệnh lá héo rũ tái xanh, héo từ lá gốc lên ngọn. Cắt ngang gốc thân cây bệnh thấy bó mạch thâm đen, bóp mạnh chỗ mặt cắt thấy có dịch nhầy trắng tiết ra. Vi khuẩn thích hợp ở nhiệt độ 30-350C, chết ở 520C trong 10 phút, độ pH thích hợp nhất khoảng 6.6.

Vi khuẩn có thể tồn tại trong tàn dư cây bệnh tới 7 tháng, trong đất trên 1 năm, là nguồn lan truyền lây bệnh cho vụ sau. Vi khuẩn trong đất xâm nhập vào rễ cây rồi phát triển trong các mạch dẫn, ngăn cản sự hấp thu vận chuyển nước làm cây bị héo.
Biện pháp phòng trị:
- Luân canh với cây trồng khác họ.
- Chọn vườn ươm và vườn trồng cao ráo, thoát nước tốt.
- Vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy triệt để cây bệnh, cỏ dại.
Biện pháp hóa học: sử dụng thuốc sau để phòng trị: Oxytetracycline + Streptomycin (Miksabe 100WP).
6. Bệnh phấn trắng: (Oidium chrysanthemi)

Biện pháp phòng trị:
- Bón phân cân đối, hạn chế bón đạm khi bệnh phát triển.
- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, ngắt bỏ lá già, lá bị bệnh.
- Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc có hoạt chất sau để phòng trị: Hexaconazole,Kumulus.
7. Bệnh gỉ sắt: (Puccinia horiana, Puccinia chrysanthemi)
Vết bệnh dạng ổ nổi màu trắng hoặc màu vàng nhạt, hình thái bất định, thường xuất hiện ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng làm cháy lá, lá vàng rụng sớm. Bệnh hại cả cuống lá, cành non, thân cây, nấm tồn tại trên tàn dư cây bệnh chủ yếu ở dạng động bào tử. Trên đồng ruộng bệnh lây lan nhờ gió.

Biện pháp phòng trị:
- Thu gom, tiêu hủy triệt để các tàn dư cây bệnh.
- Sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trị: Cu, Chlorothalonil, Oligosaccharins…
8. Bệnh lở cổ rễ: (Rhizoctonia solani)
Bệnh xuất hiện ở cả cây con và cây trưởng thành; thường xuất hiện khi cây bị dư nước hay trong điều kiện nóng ẩm; cây héo rũ và chết khi bị nhiễm bệnh. Bệnh thường xảy ra trong vườn ươm và cây con sau khi trồng, độ ẩm cao và giá thể trồng không xử lý nên cây con dễ bị nhiễm bệnh.

Biện pháp phòng trị:
Khử trùng môi trường dùng ươm cây con và đất trồng; vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ trước mùa vụ; sát trùng kĩ dụng cụ, quần áo và chân tay trước khi vào khu vực sản xuất; tiêu huỷ cây nhiễm bệnh và cách ly khu vực nhiễm bệnh; sử dụng nguồn nước tưới sạch bệnh; kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và tạo sự thông thoáng trong nhà kính. Dùng các chế phẩm vi sinh có lợi trong đất như Trichoderma sp. để hạn chế bệnh phát triển.
9. Bệnh thán thư: (Colletotrichum gloeosporioides và Cephaleuros virescens)
Trên bộ phận bị bệnh của cây xuất hiện các vết đốm lớn màu nâu sẫm, có viền nâu đỏ. Vết đốm sẽ lan rộng và có thể tạo ra vết hoại tử. Đối với các vết bệnh trên lá, khi nhìn mặt dưới có thể thấy xuất hiện lấm tấm bào tử màu đen, nhìn rõ được trên kính lúp. Trên bộ phận bị bệnh của cây xuất hiện các vết đốm lớn màu nâu sẫm.

Bệnh thường lây truyền nhờ nước hoặc gió. Xuất hiện vào mùa mưa ẩm hoặc do tưới ẩm nhiều lên bề mặt lá một cách không kiểm soát.
Biện pháp phòng trị:
Chọn giống và sử dụng giống chống chịu bệnh. Chọn địa thế đất trồng cao ráo, tiêu thoát nước tốt. Mật độ trồng vừa phải, không trồng quá dày. Cần chú ý khâu chăm sóc, bón phân NPK cân đối đặc biệt phải bón lót bằng phân chuồng ủ hoai mục.
Trong quá trình chăm sóc cần diệt sạch cỏ dại, tránh tạo vết thương cơ giới cho cây. Bên cạnh đó cần thực hiện trồng luân canh cúc với cây trồng khác họ, có thể sử dụng Antracol để phòng trị.