Quy trình sản xuất nhãn bằng phương pháp tháp cành treo bầu

I. KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG

Đối với Nhãn hiện nay có 02 phương pháp nhân giống thông dụng nhất là chiết cành (đối với các giống Nhãn tiêu Huế, Long nhãn, Nhãn tiêu lá bầu…) và tháp cành treo bầu (đối với các giống Nhãn xuồng cơm vàng, Long Phụng Châu, xuồng tím, xuồng hạt tiêu…). Tuy nhiên, hiện nay phương pháp nhân giống tháp cành treo bầu là thông dụng nhất. 

Tháp treo bầu hay còn gọi là tháp cành (chui cành): là dùng gốc ghép chui vào cành của cây cần nhân giống, sau 1 tháng đến 1,5 tháng sẽ cắt cây ghép ra khỏi cây mẹ và được 1 cây con mới với thân và cành chính là cành ghép. 

1. Chuẩn bị giá thể:

Trong các thành phần của giá thể nuôi cây giống, tỷ lệ các thành phần và phân bón có vai trò cực kỳ quan trọng, giúp cho cây sinh trưởng tốt.

Để có hỗn hợp giá thể nuôi cây tốt, cần trộn đều đất mặt đập nhỏ, mụn dừa đã xử lý tanin và lignin, trấu, tro trấu theo tỷ lệ như sau 1:5:3:1. Khi trộn đều các hỗn hợp trên sẽ làm tăng thêm độ tơi xốp cho đất, giúp đất không bị nén lại sau khi tưới nước hoặc để lâu ngày. Giá thể có khả năng giữ nước rất hiệu quả, giúp cây giống trồng trong bầu ươm có sức sống càng cao.

2. Chuẩn bị gốc ghép:

Gốc ghép được chọn trên giống Nhãn tiêu Huế hay Nhãn tiêu lá bầu để chiết cành làm gốc ghép. Chọn nhánh có đường kính từ 0,8-1cm (tương đương với cành ghép), sau đó khoanh vỏ như chiết cành thông thường, tiếp theo dùng dây PE quấn lại kín tại nơi vị trí khoanh để cành không kéo lại nhựa làm liền vết khoanh và để khoảng 1-2 ngày cho khô nhựa như chiết cành thông thường rồi dùng bao nilon bó bầu lại; sau đó, cho mụn dừa vào và nén chặt, bó kín lại hạn chế nước lọt vào. Trong 20 ngày đầu, thường xuyên kiểm tra xem bầu có bị xoay hay bị côn trùng phá hoại hay không, nếu có thì phải bó lại bầu.

Muốn cho nhanh ra rễ có thể trộn thêm dung dịch thuốc kích thích ra rễ (hiện có bán tại các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật hoặc nơi kinh doanh giống cây ăn trái, hoa, cây cảnh) vào vật liệu bó bầu hoặc bôi trực tiếp lên phía trên vết cắt trước khi bó bầu.

Giá thể dùng để bó bầu thường là mụn dừa (đã được xử lý tanin và lignin) hay mùn rơm rạ trộn với đất mặt và phân chuồng ủ hoai theo tỷ lệ 1:1:1 sau đó tưới nước với liều lượng vừa đủ ẩm để bó bầu.

Khi thấy rễ đã nhú trắng trên mặt bầu, tiến hành cắt cành chiết khỏi cây mẹ, vô bầu có đường kính 7,5cm, chiều cao 10cm, vô bầu xong tiến hành ghép liền lên cành của giống Nhãn muốn nhân giống.

 

Hình 1: Hình chiết nhánh làm gốc ghép

3. Chuẩn bị cành ghép:

Chọn vườn Nhãn nhân giống: chọn vườn Nhãn để nhân giống là phải chọn vườn Nhãn đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp quyết định Công nhận vườn cây đầu dòng còn hiệu lực.

- Chọn cành Nhãn để ghép: chọn cành phải có từ 02 cành bánh tẻ trở lên và có đường kính nơi ghép phải tương đương với gốc ghép.

4. Phương pháp ghép: 

- Trên cành ghép: dùng dao bén mở miệng từ gốc lên ngọn ăn sâu vào đến khoảng 1/3-1/2 đường kính cành, chiều dài của miệng cành ghép từ 3-4cm.

- Trên gốc ghép cắt bỏ phần ngọn cách mặt bầu từ 9-10cm, dùng dao bén vạt phần gốc theo dạng hình cây nêm hai mặt phải thật phẳng; sau đó, tiến hành đưa phần vạt của gốc ghép vào phần miệng đã mở trên cành ghép rồi dùng dây ghép quấn từ dưới gốc lên như kiểu lợp nhà để tránh nước rơi vào làm ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công sau khi ghép.

- Tỉa bỏ mầm dại: sau khi ghép, cắt bỏ toàn bộ các chồi bất định mọc ra phía dưới cành ghép. Công việc này được tiến hành thường xuyên khi chồi dại dưới 5cm.

 

Hình 2: Kỹ thuật ghép tháp cành

5. Cắt cành ghép:

- Thời gian từ khi ghép đến khi cắt cành khoảng 30-45 ngày, giai đoạn này nếu trời nắng kéo dài nên tưới phần gốc ghép để giữ ẩm cho cây, hạn chế bị thiếu nước gốc sẽ chết; đến ngày thứ 20 sau khi ghép, tiến hành khoanh vỏ cành ghép phía dưới nơi ghép khoảng 2cm, kỹ thuật này là nhằm ngăn nhựa luyện do lá quang hợp không được đi xuống vùng rễ cây mẹ để nhựa luyện này tập trung ở phần trên cành ghép kích thích cho rễ gốc ghép phát triển mạnh hơn và nơi ghép nhanh liền mí. Đến 35-45 ngày sau khi ghép tiến hành cắt cành ghép ra khỏi thân cây mẹ.

 

Hình 3: Nhãn sau khi tháp cành treo bầu và sau khi cắt khỏi cành

6. Chăm sóc cành ghép sau cắt:

Cành ghép sau khi cắt ra khỏi cây mẹ, tiến hành vô bầu có đường kính 11cm và chiều cao 22cm; các cây Nhãn sau khi vô bầu được nuôi trong nhà lưới đen giảm ánh sáng khoảng 30%-40%, tưới đủ nước mỗi ngày, thời gian nuôi khoảng 15-20 ngày tiến hành xuất vườn, nếu nuôi cho cây lên được một cơi đọt, khi cơi đọt này già thì xuất vườn là tốt nhất. Chú ý phòng trừ sâu bệnh hại trong nhà lưới dưỡng cây.

7. Phòng trừ sâu bệnh

7.1. Sâu đục gân lá: (Acrocercops hierocosma)

Description: https://sonongnghiep.tayninh.gov.vn/PublishingImages/2020-11/Sâu%20đục%20gân%20lá.pngHình 4: Triệu chứng do sâu đục gân lá

- Gây hại:

Sâu non nở ra ăn phá bằng cách đục vào gân chính của lá, làm đứt nghẽn mạch nhựa của lá, lá không phát triển được hoặc bị méo mó. Triệu chứng lá bị cháy khô đầu trông rất giống lá bị bệnh. Khi các đợt lộc bị gây hại nặng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây giống, cây bị xấu, khó tiêu thụ. 

- Biện pháp phòng trị: 

+ Thường xuyên vệ sinh vườn để vườn Nhãn giống luôn được thông thoáng.

+ Phun thuốc trong giai đoạn cây ra đọt non bằng các loại thuốc chứa hoạt chất như: Abamectin+Azadirachtin liều lượng theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc của nhà sản xuất. 

7.2. Bọ xít (Tessaratoma papillosa)

Description: https://sonongnghiep.tayninh.gov.vn/PublishingImages/2020-11/Bọ%20xít%20non%20trên%20nhãn.png  

Hình 5: Bọ xít non sống tập trung trên cành nhãn

- Gây hại: 

Bọ xít gây hại chủ yếu vào giai đoạn cây ra đọt non, trái non làm rụng hoa, rụng quả (đối với Nhãn trồng lấy trái), chết các cành non ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của cây.

  •  Biện pháp phòng trị:

+ Thu bắt giảm mật số bọ xít trưởng thành vào sáng sớm bằng cách dùng vợt hoặc rung cây (vì bọ xít có đặc điểm khi bị rung động thì giả chết và rơi xuống đất).

+ Trong tự nhiên có các loài thiên địch của Bọ xít như kiến vàng, ong ký sinh có thể tấn công trứng bọ xít; do vậy cần bảo vệ và tạo điều kiện cho các loài thiên địch ong ký sinh trứng bọ xít (Anastatus sp. và Ooencyrtus sp.) phát triển.

+ Trong trường hợp mật độ bọ xít cao, có thể dùng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất gốc Rotenone hoặc nhóm Cúc tổng hợp để phun theo liều lượng khuyến cáo ghi trên bao bì của nhà sản xuất.

7.3. Rệp sáp hại Nhãn: (Pseudococcus spp.)

Rệp sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ vào điều kiện thời tiết nắng nóng.

Hình 6: Rệp sáp gây hại trên Nhãn

Trứng của Rệp có kích thước nhỏ, màu vàng thường được ấp dưới bụng của con mẹ.

Rệp non tuổi 1 có hình dạng bầu dục và thân có màu nâu. Từ tuổi 2 Rệp không thể di chuyển và tiết sáp trắng bao phủ cơ thể.

Đây là đối tượng hại Nhãn rất dễ nhận biết. Rệp sáp có hình oval, màu trắng với một lớp bột sáp phủ trên cơ thể.

- Gây hại:                        

Phiến lá bị tấn công có hiện tượng quăn, méo và cháy đốm. Trên bề mặt lá hình thành những nốt sần do ấu trùng của Rệp tấn công để hút nhựa. Rệp tiết ra chất dịch thu hút nấm bồ hóng. Nấm sinh trưởng và phát triển, che phủ toàn bộ bề mặt lá, ảnh hưởng quá trình quang hợp của cây Nhãn.

Những phần chồi non bị gây hại sẽ rụng dần trong khoảng 1 tuần.

Những cành bị Rệp sáp tập trung hút chích khô héo và dễ gãy.

- Biện pháp phòng trừ:

Cắt tỉa và dọn dẹp vườn thường xuyên để giúp cây có độ thông thoáng.

Bảo tồn và tạo điều kiện cho thiên địch như: Bọ rùa, Ong ký sinh, Kiến vàng… nhằm hạn chế sự xuất hiện của Rệp sáp.

Loại bỏ và tiêu hủy những cành có dấu hiệu bị Rệp sáp tấn công, tránh lây lan trong vườn ươm.

Trong quá trình canh tác mật độ Rệp sáp tăng nhanh và vượt khỏi sự kiểm soát nên sử dụng sản phẩm chứa hoạt chất PymetrozineCypermethrin… liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì.

7.4. Bệnh chổi rồng:

- Tác nhân do Nhện lông nhung (Eriophyes dimocarpi) truyền bệnh.

- Đặc điểm của Nhện lông nhung:

+ Trứng ban đầu hình trắng trong, có hình giọt nước, khi nở chuyển sang trắng đục và có dạng hình tròn.

+ Nhện có màu trắng trong, có 2 cặp chân, đầu nhỏ, ngắn, lưng không có lông, bụng có cặp tua dài. Ban đầu, Nhện có thân mình bầu tròn sau đó chuyển sang thon dài và hơi cong, có 2 râu đầu, có nhiều vòng bụng và lông xung quanh cơ thể.

Hình 7: Đặc điểm Nhện lông nhung

- Triệu chứng của bệnh chổi rồng:

Bệnh chổi rồng gây hại chủ yếu trên đọt non, nụ hoa. Triệu chứng bệnh dễ nhận dạng, khi ra đọt non phát triển dài khoảng 2-3cm, lá bị co lại và mọc thành từng chùm nhìn như bó chổi. Trên chùm hoa, bệnh gây hại làm chùm hoa co cụm, không đậu quả hoặc đậu rất ít quả. Nhện gây hại và truyền bệnh sớm trên chồi non và nụ hoa. Khi không có đọt non, nhện chích hút và lưu tồn trên lá già nhưng không biểu hiện rõ triệu chứng.

Description: https://sonongnghiep.tayninh.gov.vn/PublishingImages/2020-11/bệnh%20chổi%20rồng.png

Hình 8: Bệnh chổi rồng ở đọt Nhãn

  - Gây hại: 

+ Nhện rất nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường, vòng đời chỉ khoảng 8-15 ngày, trong 1 năm có thể hoàn thành 13-15 thế hệ (lứa), chúng phát triển và gây hại mạnh nhất trong những tháng mùa khô, tấn công gây hại và truyền bệnh cho các chồi non và nụ hoa (khi chúng mới nhú), khi cây không có lá non, chúng chích hút trên lá già nhưng không lộ triệu chứng, chúng lưu tồn và sẽ tấn công trên các đọt non mới hình thành và gây hại.

- Biện pháp phòng trừ:

Trồng giống kháng bệnh như giống Nhãn Idor, giống Xuồng cơm vàng, Nhãn xuồng đỏ, Nhãn Long Phụng Châu, Nhãn xuồng hạt tiêu… chống chịu tốt với bệnh. Có thể áp dụng biện pháp ghép giống Nhãn bằng giống Xuồng cơm vàng hoặc một số giống Nhãn khác có thể thay thế giống Tiêu da bò bị nhiễm nặng. 

Không nhân giống Nhãn từ những cây trong vườn, khu vực bị nhiễm bệnh.

Tránh vận chuyển cây giống, lá và quả từ những khu vực bị nhiễm bệnh sang khu vực chưa nhiễm bệnh. 

Cây giống phải đảm bảo không nhiễm bệnh và có sự xuất hiện Nhện lông nhung.

Chăm sóc, bón phân hữu cơ, vô cơ cân đối, có thể bón thêm các phân bón vi lượng qua gốc hay qua lá để cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu bệnh, cây ra đọt tập trung.

Tưới nước đầy đủ theo nhu cầu nước của cây, chú ý giai đoạn cây ra đọt non. Trước khi cây ra đọt non dùng vòi nước tưới áp lực cao phun lên tán cây có thể rửa trôi nhằm giảm mật số Nhện lông nhung.

Để quản lý đọt non, có thể sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật trừ nhện thuộc nhóm: Sulfur, Emamectin benzoate, Diafenthiuron, PropargitePetroleum Spray oil… liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất. 

Lưu ý: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, luân phiên các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất khác nhau để hạn chế Nhện lông nhung kháng thuốc.

II. GHI NHÃN CÂY GIỐNG 

Nhãn cây giống ghi theo hướng dẫn tại Điều 10 của Nghị định số 94/2019/NĐ-CP, ngày 13 tháng 12 năm 2019 Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Ví dụ như:

1. Tên giống cây trồng: giống Nhãn…

2. Hướng dẫn bảo quản và sử dụng: có tài liệu kèm theo.

3. Ngày sản xuất, hạn sử dụng: (ngày sản xuất cây ghép là ngày ghép; ngày sản xuất cành giống, hom giống là ngày cắt cành giống, hom giống, hạn sử dụng 01 năm).

4. Tên và địa chỉ của tổ chức sản xuất: (ghi rõ ràng theo giấy phép đăng ký kinh doanh).

5. Tiêu chuẩn cây giống Nhãn: TCCS.

Ghi chú: nhãn giống phải có mã quét QR, trong mã này cần đưa tài liệu hướng dẫn vào và bảng công bố tiêu chuẩn cơ sở của giống để người sử dụng quét mã QR xem.