I. KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG
Trước đây, nhân giống Vú sữa người nông dân nhân giống bằng hạt. Thông thường sau khi gieo hạt 3-4 tuần thì cây mọc, người trồng bứng đem đến nơi đã đào lỗ, bón lót phân sẵn và trồng vào đó. Phương pháp này hiện nay không còn phổ biến vì cây trồng bằng hạt thời gian cho trái rất lâu (khoảng 7-9 năm) và thường không giữ được đặc tính ban đầu của cây mẹ: dạng trái, màu sắc trái, chất lượng trái…
Hiện nay việc gieo ươm hạt vú sữa chủ yếu để sản xuất cây gốc ghép. Tại Bến Tre sản xuất giống Vú sữa theo phương pháp tháp cành treo bầu hiện là phương pháp thông dụng nhất.
Tháp treo bầu hay còn gọi là tháp cành (chui cành): là dùng gốc ghép chui vào cành của cây cần nhân giống, sau 1 tháng đến 1,5 tháng sẽ cắt cây ghép ra khỏi cây mẹ và được 1 cây con mới với thân và cành chính là cành ghép, phương pháp này được thực hiện như sau:
1. Chuẩn bị giá thể:
Trong các thành phần của giá thể nuôi cây giống, tỷ lệ các thành phần và phân bón có vai trò cực kỳ quan trọng, giúp cho cây sinh trưởng tốt.
Để có hỗn hợp giá thể nuôi cây tốt, cần trộn đều đất mặt đập nhỏ + mụn dừa đã xử lý tanin và lignin + trấu + tro trấu theo tỷ lệ như sau 1:5:3:1. Khi trộn đều các hỗn hợp trên sẽ làm tăng thêm độ tơi xốp cho giá thể, giúp giá thể không bị nén lại sau khi tưới nước hoặc để lâu ngày. Giá thể có khả năng giữ nước rất hiệu quả, giúp cây giống trồng trong bầu ươm có sức sống càng cao.
2. Chuẩn bị gốc ghép:
Chọn hạt Vú sữa trên cây Vú sữa trồng bằng hạt là tốt nhất. Tuy nhiên, hiện nay do Vú sữa trồng bằng hạt rất ít và khó tìm, thông thường việc chọn hạt Vú sữa ươm để làm gốc ghép thường chọn hạt của giống Vú sữa lò rèn.
Chọn trái Vú sữa lấy hạt nên chọn những trái có độ chín sinh lý hoàn toàn, sau đó tách bỏ phần thịt trái, rửa hạt bằng nước sạch, để trong mát cho khô khoảng 2-3 ngày, xử lý hạt bằng phương pháp ngâm trong nước 2 sôi 3 lạnh thời gian khoảng 30 phút rồi tiến hành gieo hạt. Diện tích giá thể tuỳ vào nhu cầu của lượng giống sản xuất sau này.
Gieo hạt: hạt Vú sữa sau khi xử lý xong, tiến hành gieo trên giá thể đã chuẩn bị sẵn. Tưới nước mỗi ngày 2 lần đều đặn vào lúc sáng sớm và buổi chiều mát. Sau khoảng 3-7 ngày Vú sữa sẽ nứt mầm và lên cây con.
Giá thể gieo hạt gồm các thành phần đất phù sa để khô đập nhỏ + mụn dừa (đã xử lý tanin và lignin) + trấu mục với tỷ lệ 3-1-1, sau đó xử lý giá thể bằng đồng đỏ (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì) và ủ khoảng 2-3 ngày tiến hành gieo hạt.

3. Chăm sóc gốc ghép:
- Hạt được gieo tập trung trên liếp hoặc trên khay có chứa giá thể đã được xử lý nấm bệnh; khi hạt nảy mầm, cây có lá thật đã già tiến hành đem ra cấy trên liếp đã chuẩn bị; khoảng cách cấy cây từ 10-15cm/cây.
- Cây sau khi cấy lên liếp nên dùng lá dừa che nắng khoảng từ 5-7 ngày, nên tưới nước mỗi ngày từ 2-3 lần nhằm hạn chế hao hụt sau khi cấy.
- Khi cây có từ 4-5 lá thật thì pha 60-80gr urê/10 lít nước tưới cho cây, đến khi cây cao 20-25cm thì bón NPK 16-16-8 liều lượng từ 0,5-2gr/cây, bón 15 ngày/ lần, lượng phân tăng dần theo sự phát triển của cây.
- Khoảng 4 tháng sau khi cấy, lúc này cây đã phát triển được từ 2-3 cơi đọt tiến hành bứng cây vô bầu có đường kính và chiều cao lần lượt là 5cm và 10cm chăm sóc cây vô bầu khoảng 20 ngày tiến hành ghép. Trước khi ghép 15 ngày ngưng bón phân.
Lưu ý: trong quá trình từ khi gieo hạt đến khi gốc ghép đủ tuổi ghép nên thăm vườn thường xuyên, nếu phát hiện sâu bệnh thì xử lý ngay, đặc biệt là bệnh chết cây con trong quá trình gieo hạt và bệnh thán thư trong thời gian nuôi gốc chờ ghép. Tưới nước đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh cho cây con, chủ yếu là phòng bệnh héo, chết cây con bằng các loại thuốc gốc đồng như Champion 77WP, Đồng đỏ hoặc Anvil… liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
4. Ghép cành:
- Chọn vườn giống Vú sữa để nhân giống là vườn đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy Công nhận vườn cây đầu dòng còn hiệu lực.
- Chọn cây làm cây mẹ phải chọn cây phát triển tốt, không sâu bệnh, cây từ 5-10 tuổi. Nếu cây đầu dòng được chọn lấy cành vào thời điểm cây ra hoa thì cần sử dụng phân urê phun lên toàn bộ cây với mục đích làm cho cây rụng bông để không làm cho cành ghép mất sức vì phải nuôi bông.
- Trước khi ghép cũng phải bón phân, tưới nước, chăm sóc cho cây đầu dòng. Yêu cầu lúc lấy cành ghép thì cây phải tróc vỏ tốt, lá xanh, cành ghép có đường kính tương đương với gốc ghép.
- Chọn cành ghép: chọn cành ghép đã ra từ năm trước, nên chọn những cành có ít nhất 2-3 cành bánh tẻ. Không chọn cành ghép nằm trong tán lá, cành vượt.
- Ghép cành: trên cành ghép, chọn vị trí ghép cách chồi ngọn 30-40cm, dùng dao ghép chuyên dùng mở miệng từ 1/3-1/2 cành ghép và mở ngược từ gốc lên ngọn; trên gốc ghép, cách mặt bầu khoảng 6-7cm cắt bỏ phần ngọn; sau đó, dùng dao ghép vạt phần trên của gốc theo hình cây nêm hai mặt phải thật phẳng, chiều dài phần vạt tương đương với phần mở miệng trên cành ghép, sau đó chui phần gốc ghép đã vạt vào phần mở miệng của cành ghép, tiếp theo dùng dây PE quấn lại từ dưới lên theo kiểu lợp nhà để tránh nước rơi vào nơi ghép. Khoảng 25 ngày sau ghép, tiến hành khoanh vỏ cành ghép phía dưới vị trí ghép khoảng 2-4cm; việc làm này mục đích là giữ nhựa luyện do lá quang hợp không được vận chuyển xuống rễ cây mẹ mà giữ lại trên cành ghép để kích thích cho gốc ghép ra rễ mạnh và vết ghép tiếp hợp tốt hơn; sau 15 ngày khoanh vỏ cành ghép, tiến hành cắt cành ra khỏi thân cây mẹ.


5. Nuôi cây giống:
Nơi ghép sẽ được liền mí sau khi ghép khoảng 3 tuần. Sau đó, khoảng 30-45 ngày tiến hành cắt cành ghép ra khỏi cây mẹ, tiếp theo cho cành ghép vào bầu có đường kính và chiều cao lần lược là 10cm và 20cm, vô bầu xong đưa cây ghép vào nhà lưới đen giảm nắng khoảng 50% để nuôi dưỡng, thời gian nuôi này khoảng 10 đến 15 ngày, giai đoạn này cần tưới nước đầy đủ cho cây nếu không thì cây sẽ chết, quan trọng nhất nên phun ngừa bệnh cho cây từ 1-2 lần bằng các loại thuốc gốc đồng. Trước khi xuất vườn cần chuyển cây giống tiếp xúc dần với nắng để làm quen dần với điều kiện tự nhiên, khi cây phát triển bình thường thì tiến hành xuất vườn.
Lưu ý: công đoạn chuyển cây qua khu tập nắng là việc làm rất cần thiết, mục đích là để cho cây làm quen dần với nắng để khi trồng không bị hao hụt nhiều.

6. Phòng trừ sâu bệnh:
6.1. Sâu đục cành: (Chelidonium argentatum Dalm)

- Gây hại: ở giai đoạn ấu trùng, sâu non đục cành gây hại quanh năm, như vậy nên thường xuyên thăm vườn, nếu phát hiện có sự xuất hiện của thành trùng thì tiến hành phun thuốc hoá học để diệt trứng, có thể sử dụng các loại thuốc như: Emamectin Benzoate và Abamectin liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
- Biện pháp phòng trừ: đối với vườn cây giống, để đảm bảo cây giống được mã cây đẹp khi xuất vườn, cần phải thăm vườn thường xuyên, khi phát hiện có thành trùng xuất hiện nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, hoá học phun để diệt trứng như Emamectin Benzoate, Abamectin… Không nên để sâu đục vào cành sẽ làm ảnh hưởng đến mẫu mã cây giống khi xuất vườn.
6.2. Rệp sáp: (Pseudococcus sp. - Pseudococcidae)


- Gây hại: Rệp sáp tấn công cây cả mùa mưa lẫn mùa khô trên bộ phận non của cây làm cho cây chậm hoặc không phát triển, chất bài tiết của Rệp sáp có chứa một lượng đường nhất định thu hút nấm bồ hóng bám vào ảnh hưởng đến việc quang hợp của lá, nếu không phòng trị kịp thời thì có thể các cành bị tấn công gây khô, chết cây.
- Biện pháp phòng trừ: đối với cây trồng lấy trái thì có thể sử dụng nhiều biện pháp sinh học để phòng trị rệp sáp, nhằm đảm bảo về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với cây giống khi phát hiện cây bị Rệp sáp tấn công, nên áp dụng biện pháp hoá học để phòng trừ, có thể sử dụng Movento 150 OD liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì để phun xịt.
6.3. Bệnh thán thư: (Colletotrichum sp.)

- Gây hại: nấm bệnh có thể tấn công từ lá già đến cả lá non, ban đầu trên lá chỉ có đốm hình tròn màu nâu hoặc đen, sau đó các vết bệnh phát triển lớn ra và liên kết lại với nhau làm cho lá bị cháy và rụng đi.
- Biện pháp phòng trị: tạo thông thoáng trong vườn nuôi cây giống, phun ngừa các loại thuốc gốc đồng để ngăn chặn nấm tấn công; khi thấy lá bị cháy và rụng tiến hành phun các loại thuốc như: Score 250EC, Agribatte… Liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
6.4. Bệnh thối rễ, khô cành:
- Triệu chứng: cây còi cọc, kích thước lá bị thu nhỏ lại hay còn gọi “lá me”, tán lá thưa, có màu xanh xám, đôi khi lá trên một số cành bị rụng dẫn đến hiện tượng cây bị trơ cành.

Hệ thống rễ tơ (rễ mềm) hay kể cả rễ thứ cấp đều bị thối nhũn, sau đó khô và hóa nâu. Ngoài ra, bệnh còn tấn công ở vị trí cổ rễ hay một số vị trí cục bộ trên rễ chính (nằm gần mặt đất) từ đó làm cho toàn bộ hệ thống rễ bị thối khô và hóa nâu, nếu phát hiện muộn thì sẽ rất khó phòng trị.
- Tác nhân: thối rễ do nhiều tác nhân gây ra như: nấm Fusarium solani, Fusarium oxysporum, Pythium helicoides và nứt khô cành do nấm Botryospaeriarhodia.
- Gây hại:
Nấm phát triển mạnh trên vùng đất dẽ chặt, pH thấp thường hay bị ngập úng. Các loại nấm trên thường tấn công vào các rễ lông, cổ rễ trên các cây Vú sữa già cỗi, thậm chí ở các vườn cây còn trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và kể cả trên các vườn nuôi dưỡng cây giống.
Rễ khi bị nấm tấn công nếu không phát hiện để phòng trị kịp thời thì rễ sẽ bị thối (vườn thừa nước) hay khô (đất có độ ẩm thấp) đưa đến tình trạng lá vàng và rụng, các đợt lá sau sẽ nhỏ lại, cây phát triển kém, cuối cùng cây chết. Đối với các vườn nuôi dưỡng cây giống, thường những vườn sắp xếp cây giống quá dày, tưới thừa nước, lập vụ nhiều năm, giá thể không xử lý tốt thì cây hay bị nhiễm bệnh, cây rụng lá mẫu mã xấu không tiêu thụ được.
- Biện pháp phòng trị:
Xử lý giá thể bằng cách khi pha trộn xong nên ủ với nấm Trichoderma sp., liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
Tạo thông thoáng trong vườn nuôi dưỡng cây giống.
Thoát nước tốt trong mùa mưa để ngăn chặn quá trình phát sinh, phát triển của nấm bệnh.
Nếu thấy cây có triệu chứng vàng lá tiến hành phun các loại thuốc như: Dithane M45-80WP, Aliette 800WG, Ridomil Gold 68WG, Agribatte… Liều lượng theo dẫn trên bao bì.
II. GHI NHÃN CÂY GIỐNG
Nhãn cây giống ghi theo hướng dẫn tại Điều 10 của Nghị định số 94/2019/NĐ-CP, ngày 13 tháng 12 năm 2019 Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Ví dụ như:
1. Tên giống cây trồng: giống Vú sữa…
2. Hướng dẫn bảo quản và sử dụng: có tài liệu kèm theo.
3. Ngày sản xuất, hạn sử dụng: (ngày sản xuất cây ghép là ngày ghép; ngày sản xuất cành giống, hom giống là ngày cắt cành giống, hom giống, hạn sử dụng 01 năm).
4. Tên và địa chỉ của tổ chức sản xuất: (ghi rõ ràng theo giấy phép đăng ký kinh doanh).
5. Tiêu chuẩn cây giống Vú sữa: TCCS.
Ghi chú: nhãn giống phải có mã quét QR, trong mã này cần đưa tài liệu hướng dẫn vào và bản công bố tiêu chuẩn cơ sở của giống để người sử dụng quét mã QR xem.